Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không nhận thù lao
Theo Báo cáo soát xét bán niên của Tập đoàn Vingroup, trong giai đoạn nửa đầu năm, Vingroup và Vinhomes đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng. Ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú giàu nhất Việt Nam theo xếp hạng của Forbes, Chủ tịch Vingroup và thành viên HĐQT Vinhomes không hề nhận bất cứ thù lao nào trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, ông cũng không nhận trong 6 tháng đầu năm 2021.
Ông Phạm Nhật Vượng không nhận thù lao tại Vingroup
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đang nắm giữ gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC (trong đó có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam). Tính theo giá trị cổ phiếu VIC, tài sản của ông Vượng trị giá 6,6 tỷ USD, trong khi Forbes ghi nhận tài sản của tỷ phú Việt Nam là 4,9 tỷ USD.
Tại Vinhomes, ngoài ông Vượng, một thành viên HĐQT khác cũng không nhận thù lao là ông Asish Jaiprakask Shastry. 7 thành viên còn lại nhận từ 458 triệu đồng tới 1,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tương ứng con số tổng là gần 4,8 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ sắp chia cổ tức
Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen ngày 30/8 đã ra thông báo về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của niên độ tài chính 2020 – 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021).
Tỷ lệ chi trả là 20%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.Thời điểm chốt danh sách cổ đông là ngày 15/9.
Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.
Hoa Sen hiện có hơn 498 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành xấp xỉ 99,7 triệu đơn vị HSG.
Sau khi trả cổ tức, vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng thêm gần 1.000 tỷ lên thành 5.981 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2022, Hoa Sen có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6.426 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt cổ tức, khoản mục này sẽ giảm đi khoảng 1.000 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB vừa từ nhiệm
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã công bố thông tin về việc bà Nguyễn Ngọc Như Uyên - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã gửi đơn từ nhiệm vị trí lên Hội đồng quản trị.
Theo giới thiệu của ACB, bà Uyên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường Đại học Melbourne (Australia), bà cũng từng công tác tại Công ty kiểm toán Arthur Andersen, Công ty TNHH KPMG Việt Nam, giữ chức vụ Giám đốc Đầu tư tại Mekong Capital và Giám đốc nghiệp vụ tại Dragon Capital.
Bà Uyên gia nhập ACB năm 2015 với cương vị Giám đốc Đầu tư. Bà được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc tại ACB từ năm 2018 cho đến nay.
Ngoài ra, bà cũng là Giám đốc Khối Ngân hàng số (từ tháng 2/2022) và Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACBS. Ngoài ra Phó Tổng giám đốc ACB còn tham gia lãnh đạo ở các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Liên Á châu; Công ty TNHH khách sạn Du lịch Saigon Star và Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam.
Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2022, trước khi rời vị trí Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB, bà Như Uyên đang trực tiếp nắm giữ 71.406 cổ phiếu ACB. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8, khối tài sản bà Uyên nắm giữ trên sàn chứng khoán có giá trị 1,75 tỷ đồng.
Nhà Chủ tịch PNJ sở hữu tài sản nghìn tỷ
Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng của doanh nghiệp, khối tài sản của nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và 3 ái nữ cũng đã ghi nhận tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2022.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 22/8, nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung và 3 ái nữ đang sở hữu khối tài sản trị giá hơn 3.332 tỷ đồng.
Theo đó, tính đến ngày 22/8, khối tài sản của nữ Chủ tịch 65 tuổi cùng 3 người con gái ghi nhận mức tăng thêm 19,3% so với đầu năm cùng đà tăng của cổ phiếu PNJ.
Với mức tăng này, nữ Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 ái nữ là một trong số ít những đại gia ghi nhận tăng tài sản ròng trái ngược với đà giảm mạnh của chỉ số VN-Index trong gần 8 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, ái nữ Trần Phương Ngọc Hà là người sở hữu tài sản lớn nhất trong gia đình bà Dung với số tiền hơn 1.056 tỷ đồng. Nữ Chủ tịch 65 tuổi trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá 766 tỷ đồng, ái nữ Trần Phương Ngọc Giao sở hữu khối tài sản trị giá hơn 832 tỷ đồng và người con gái Trần Phương Ngọc Thảo - Thành viên Hội đồng quản trị PNJ nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 677 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của ông Tô Hải lấn sân lĩnh vực BĐS
Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) do ông Tô Hải giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đã công bố thông tin góp vốn thành lập Công ty Green Light với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Theo thông tin được IDP công bố, công ty cổ phần Đầu tư Green Light có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Sữa Quốc tế góp 499,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,98%. Theo nghị quyết HĐQT, Sữa Quốc tế giao bà Chu Hải Yến, Phó tổng giám đốc và ông Phan Văn Thắng, kế toán trưởng đại diện quản lý phần vốn góp của doanh nghiệp này tại Green Light.
Ông Tô Hải giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị IDP
Trước khi góp vốn thành lập công ty con chuyên về BĐS, hồi tháng 1/2022, Hội đồng quản trị của IDP đã phê duyệt đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu của dự án là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Sữa Quốc tế là 300 tỷ đồng, vốn vay là 2.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn chứng khoán, IDP do ông Tô Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có giá trị vốn hóa hơn 9.183 tỷ đồng.