Sau phiên hồi phục mạnh 16/6, thị trường chứng khoán lại một lần nữa giảm sâu trong phiên giao dịch cuối tuần. Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.217 điểm, giảm 19,33 điểm (-1,6%). Tuy nhiên, với mức giá đóng cửa này, VN-Index đã hồi phục gần 25 điểm từ vùng thấp nhất trong ngày.
Cùng với đó, chỉ số HN-Index cũng ghi nhận mức giảm 7,71 điểm (-2,68%) đóng cửa ở mức 280,06 điểm và chỉ số Upcom giảm 2,15 điểm (-2,41%) để đóng cửa ở mức 87,1 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm 66,78 điểm (-5,2%); HNX-Index giảm 26,38 điểm (-8,61%).
Trong ngày, VN-Index giảm tới hơn 19 điểm nhưng mã cổ phiếu MSN của Masan Group bứt phá 6.300 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng 5,7% để đóng cửa phiên giao dịch ở mức giá 117.000 đồng/cổ phiếu. MSN cũng là mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng cao nhất trong nhóm VN30. Với đà tăng mạnh trong hai phiên giao dịch cuối tuần, MSN đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất ở 3 phiên giao dịch đầu tuần.
Đà tăng mạnh của MSN không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông của doanh nghiệp, mức tăng này cũng đã giúp tỷ phú người Thừa Thiên Huế, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) có thêm hơn 1.800 tỷ đồng.
Theo đó, với việc đang nắm giữ gián tiếp gần 301 triệu cổ phiếu MSN, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh ghi nhận mức tăng thêm gần 1.896 tỷ đồng.
Tỷ phú Hồ Hùng Anh có thêm hơn 1.800 tỷ đồng nhờ đà tăng mạnh của MSN trong phiên giao dịch cuối tuần
Tuy nhiên, do mã cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam ghi nhận mức giảm 1.550 đồng/cổ phiếu để đóng cửa ở mức giá 34.500 đồng/cổ phiếu, khiến khối tài sản của tỷ phú người Thừa Thiên Huế chỉ còn tăng gần 1.385 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6, khối tài sản ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ có giá trị hơn 36.562 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam sau phiên giao dịch ngày 17/6, chuyên gia của công ty chứng khoán VCSC đánh giá tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn với duy trì ở mức Tiêu cực tại tất cả các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, việc VN-Index và VN30 hai lần bảo vệ thành công hỗ trợ ngắn hạn tại 1.210 điểm và 1.250 điểm có thể sẽ làm gia tăng xác suất hồi phục.
VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường với đại diện là VN-Index có thể sẽ có những nỗ lực hồi phục để kiểm định kháng cự MA5 ngày hiện đang nằm tại 1.227 điểm. Nếu lực mua giá cao đủ mạnh giúp VN-Index đóng cửa trên mốc này, chỉ số đại diện sàn HOSE có thể sẽ tiếp đà hồi phục, hướng lên kháng cự tiếp theo tại vùng 1.255 - 1.275 điểm, nơi có kháng cự của các đường MA10 ngày và MA20 ngày.
Ngược lại, nếu lực mua không đủ mạnh để đối trọng lại lực bán, khiến VN-Index một lần nữa rơi xuống dưới mốc 1210 điểm, chỉ số này có khả năng sẽ giảm hướng về các hỗ trợ quanh 1160 điểm và 1100 điểm.
Sau đà giảm mạnh của VN-Index trong tuần giao dịch từ ngày 13 – 17/6, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SHS nhận định trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh c sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên 10/6. Và theo lý thuyết sóng elliott thì mục tiêu của sóng điều chỉnh c theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.130 điểm (fibonacci extension 50% sóng điều chỉnh a). Tuy vậy, nếu bên mua trở nên chủ động hơn và bên bán suy yếu thì không loạt trừ khả năng thị trường có thể sớm hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm sau khi đã test thành công lực cầu dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên 15/6 và 17/6.
Theo SHS, định giá của thị trường hiện đang ở mức hấp dẫn với khoảng 13 lần trên cả hai chỉ số VN-Index và VN30. Nếu xét trên triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm nay thì đây là mức định giá hấp dẫn trong dài hạn.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VCBS đánh giá VN Index tuần vừa qua chịu áp lực bán chủ động liên tiếp khiến cho chỉ số chung giảm điểm sâu về khu vực 1.210. Thanh khoản có phần sụt giảm cho thấy dòng tiền đang rút ra, nhất là trước sự biến động của thị trường cũng như những thông tin vĩ mô tiêu cực tren thế giới. Hiện tại, vùng hỗ trợ mạnh 1.200 vẫn đang trụ vững nên hy vọng về đợt phục hồi ngắn hạn vẫn còn. Tuy nhiên nếu VN Index đánh mất vùng điểm số này thì rủi ro chỉ số lùi về 1170 hoặc xấu hơn là 1130 tương ứng với 2 mốc Fibonacci mở rộng 0.382 và 0.5 là khá cao.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường, hạn chế bắt đáy và chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có lực cầu tốt như điện, nước, dịch vụ thiết yếu để chờ đợi thị trường cho tín hiệu ổn định hơn rồi mới cân nhắc tới chuyện gia tăng trở lại tỷ trọng cổ phiếu so với tiền mặt.