Quan tâm đến phản ứng, tâm lý của xã hội
Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
“Từ thực tiễn điều hành ở địa phương, chúng tôi càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống”, nhấn mạnh điều này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập.
Theo đại biểu đang là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, nhiều cán bộ Nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý cũng có một phần của sự bất cập từ đó. Nhiều cán bộ “né tránh”, “đùn đẩy” sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó, nên các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó.
Tuy nhiên, ông Đồng lưu ý, những vấn đề được Ủy ban Kinh tế chỉ ra cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là phải nhận diện, đánh giá sự ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phản ứng, tâm lý của xã hội.
Về điều kiện đảm bảo, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành khi có hiệu lực từ ngày 1/8.
“Tất nhiên, đây được coi là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm. Điều tôi băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ, ngành”, ông Đồng nói.
Theo đại biểu, việc Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng, nhưng mỗi đại biểu Quốc hội khi đã “bấm nút” cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình. “Tôi đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết”, ông Đồng nêu.
Quốc hội, Chính phủ, địa phương cần chung tay giải quyết
Đồng tình các luật này sớm đi vào cuộc sống, tuy nhiên ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành thuộc trách nhiệm của địa phương.
Tuy nhiên, ông lưu ý cần đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, khoảng trống pháp lý hoặc có thể xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp.
“Tờ trình của Chính phủ khẳng định, có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn đúng tiến độ. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 tháng, chưa có thêm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”, ông Hòa băn khoăn, đồng thời mong muốn Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, nếu có thể khơi thông sẽ tác động tốt tới nền kinh tế, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm.
Theo ông, có những doanh nghiệp FDI muốn mở rộng sản xuất nhưng hiện phải dừng lại vì vướng luật. Các doanh nghiệp FDI có kế hoạch bố trí vốn, chỉ cần chậm trễ có thể dẫn tới tái cơ cấu, hoặc chuyển đổi khu vực đầu tư. “Bởi vậy, việc ban hành luật càng sớm sẽ càng tốt”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng dẫn báo cáo thẩm tra đã nêu chi tiết, trong đó có vấn đề ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn luật. Trong thảo luận tổ, nhiều địa phương đã nêu khó khăn: “Nếu Trung ương chưa hướng dẫn thì địa phương lấy đâu căn cứ để thực hiện?”, theo ông Huân, đây là vấn đề cần lưu ý.
Từ đó, đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định để các địa phương yên tâm; tổ chức tập huấn đồng loạt để hoàn thành hướng dẫn ở địa phương. Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro nảy sinh và cách ứng phó.
“Không thể nói chung chung rằng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm. Khi thực hiện có thể có những cái vướng, phải ứng phó rủi ro. Cả Quốc hội, Chính phủ, địa phương cần chung tay vào giải quyết”, ông Huân cho hay.