Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 diễn ra ngày 24/7, các thành viên Chính phủ đã thảo luận 5 nội dung quan trọng, gồm hai đề nghị xây dựng luật là Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); hai dự án luật là Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi); Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Đối với Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển của thế giới.
Tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541 km, kế hoạch hoàn thành vào năm 2035, kết hợp kinh tế với an ninh - quốc phòng, kết hợp giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhẹ khi cần thiết.
Phát biểu về Đề án này, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, đa dạng hóa nguồn lực gồm của Nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn của doanh nghiệp, vốn từ khai thác hiệu quả tuyến đường sắt….
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự lực, tự cường, nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng lớn khác.
Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan tới nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao.
Cũng như, cần nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu để tập trung cho vận tải hàng hóa, phát triển du lịch và nghiên cứu, sớm triển khai ba tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, tuyến đường sắt Vientiane (Lào)-Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam ngày 11/7, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng - an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.
Theo dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541 km đường, đi qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp (lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam);
Đồng thời, tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp…để từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn (vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp…).