Tài chính

Cựu tổng giám đốc: "SCB là công cụ của bà Trương Mỹ Lan"

Sáng 7/3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo về loạt tội danh liên quan đến các sai phạm trong việc rút tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) bước vào phần xét hỏi.

 

Được gọi tên đầu tiên, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tỏ ra thành khẩn, thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng và giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.

Cựu CEO SCB bị cáo buộc từ 2013 đến 2017 đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 60.000 tỷ đồng. Từ 2018 đến 2020 (trước khi nghỉ việc), Văn đã ký hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỷ đồng lãi phát sinh.

Trong vụ án này, Văn bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản. Riêng hành vi trực tiếp mang 5,2 triệu USD đi hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục II - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) để "bịt sai phạm", bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa, sáng 7/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Trả lời tòa, bị cáo Văn cho biết được (Chủ tịch HĐQT SCB, đang bỏ trốn) tuyển vào làm việc tại ngân hàng từ tháng 7/2013. Do bản thân từng có vị trí và nhiều kinh nghiệm trong ngành Tài chính Kế toán nên chỉ cần chuyển hồ sơ lý lịch là vào làm việc ngay. Lúc đầu bị cáo làm Phó Chủ tịch Uỷ ban chiến lược của ngân hàng, 6 tháng sau được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách vận hành và không lâu sau làm Tổng giám đốc SCB.

Về việc bà Lan có hay không phải là người "đưa" mình lên làm Tổng giám đốc, Văn khai, theo quy trình bổ nhiệm thì bà này không tham gia, nhưng về sau mới biết bà Lan là người quyết định chức vụ của mình. "Sau thời gian làm việc tại SCB, bị cáo mới hiểu bà Lan dù không có chức vụ gì tại SCB nhưng là người nắm phần lớn cổ phần, là người chi phối toàn bộ dàn lãnh đạo và mọi hoạt động tại SCB", Văn khai.

Liên quan việc giải ngân của SCB, chủ tọa nhiều lần chất vấn vì sao các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chiếm gần hết số tiền cho vay của SCB, ngân hàng huy động tiền của người dân hơn 511.000 tỷ đồng mà chỉ cho các khách hàng thuộc tập đoàn vay đến 93%... Sau một hồi ấp úng, bị cáo Văn nói: "Vì bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nên phải làm. Lúc đó, bị cáo rất tin tưởng tài năng của bà ấy".

Cựu CEO giải thích thêm, đó là thời điểm SCB đang tái cơ cấu phải tự giải quyết rất nhiều vấn đề bao gồm cả các khoản nợ từ trước giai đoạn hợp nhất. Vì niềm tin bà Lan có thể giúp cho SCB tái cơ cấu thành công nên ngân hàng có nhiều khoản vay liên quan đến các dự án của bà Lan.

Chủ tọa hỏi: "SCB luôn huy động với lãi suất cao nhất mọi lúc, mọi nơi trong toàn bộ các ngân hàng để thu hút vốn. Nhưng khi cho vay, SCB chỉ cho các công ty thuộc Tập đoàn của bà Lan vay. Với sự việc khách quan như vậy, bị cáo có thấy SCB là công cụ tài chính của Trương Mỹ Lan không?".

Bị cáo Văn đáp: "Đúng thế".

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 7/3. Ảnh: Quỳnh Trần

'Nhận thức sai, làm theo chỉ đạo'

Văn khai, ngoài nhận lương của SCB, bị cáo không được hưởng hay chia cổ phần. "Bị cáo làm với tư cách nhân viên, với niềm tin giúp bà Lan đưa SCB vượt qua giai đoạn tái cơ cấu khó khăn. Niềm tin này xuất phát từ việc thấy cách bà Lan đối xử với dàn lãnh đạo của SCB qua các thời kỳ", Văn nói, thêm rằng thấy chiến lược của bà Lan qua việc đầu tư bất động sản dài hơi chứ không phải lấy đất xây lên rồi bán, khi các dự án được thực hiện, SCB có thể thu hồi được các khoản cho vay.

Không đồng ý lời khai này, chủ tọa dẫn chứng tình trạng tài chính của SCB thực tế liên tục bị âm vốn chủ sở hữu và dư nợ ngày càng tăng, thì không có cơ sở tin tưởng vào chiến lược của bà Lan. Văn cho rằng, các căn cứ xác định thiệt hại của vụ án chưa đầy đủ. Các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan có 1.116 mã tài sản đảm bảo nhưng Công ty thẩm định giá Hoàng Quân mới định giá được hơn nửa.

Theo Văn, các tài sản này của bà Lan không phải là tài sản có tranh chấp, chỉ thiếu giấy tờ, nên "vẫn tin tưởng thiệt hại mà các cơ quan tố tụng xác định chỉ là tổn thất dự kiến", còn tổn thất thực sự được tính khi bán các tài sản đó trừ đi dư nợ.

Tòa khẳng định, tài sản không đủ về pháp lý thì không được làm tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật, trong khi ngân hàng Nhà nước hạn chế cấp tín dụng vào bất động sản; đồng thời, trong tất cả các phương án vay vốn, nguồn thu chủ yếu từ tài sản là dự án hình thành trong tương lai.

Lúc này, Văn thừa nhận phân tích của chủ tọa là đúng, bản thân bị cáo đã nhận thức sai và làm theo chỉ đạo của bà Lan.

Cựu chủ tịch SCB: Được cho nhiều tiền vì làm tốt các chỉ đạo của bà Lan

Được gọi lên thẩm vấn sau đó, bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB, cũng thừa nhận cáo trạng "đúng và đầy đủ" về hành vi của mình. Từ năm 2013 đến 2020, Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 187.600 tỷ đồng. Từ cuối năm 2020 đến 2022, Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền gần 104.260 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 26.330 tỷ.

Ông Dũng cũng xác nhận lời khai của Văn về tình trạng của SCB là "hoàn toàn đúng". Từ khi bị cáo vào làm việc cho SCB, được bà Lan trả mức lương thấp nhất là 70 triệu đồng (năm 2013), cao nhất là 500 triệu. Ngoài ra, vào dịp lễ Tết còn được cho 500.000 cổ phiếu (tương đương 5 tỷ đồng) và hai lần vào năm 2020 và 2021 tổng cộng là 40 tỷ đồng.

"Bị cáo được bà Lan cho nhiều tiền vì đã thực hiện tốt các chỉ đạo. Hơn nữa, bà ấy cũng muốn khuyến khích nhân viên của SCB", ông Dũng nói, đồng thời mong muốn khắc phục hậu quả (gia đình bị cáo đã khắc phục được khoảng 35 tỷ đồng).

Tương tự, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB, cũng thừa nhận từ năm 2019 đến ngày 15/8/2022 đã ký hợp thức cho 617 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 200.690 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB 69.023 tỷ đồng.

Dung khai, mỗi lần bà Lan cần tiền đều gọi điện và đưa ra tài sản đảm bảo. Bị cáo sau đó triệu tập họp tất cả lãnh đạo của SCB, thông báo về yêu cầu của bà Lan như cần bao nhiêu tiền, giải ngân khi nào...

Dung cho biết sẽ cố gắng khắc phục phần nào hậu quả đã gây ra, và sẽ tác động gia đình nộp thêm một tỷ đồng trong hôm nay.

Các bị cáo bên ngoài phòng xét xử, theo dõi phiên tòa qua màn hình. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

Là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bà Lan bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng Tham ô tài sản.

Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến cuối tháng 4.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm