Nguyễn Hải Anh Tuấn (32 tuổi, quê Đắk Nông) - cựu thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia năm 2006 từng là cái tên gây nhiều tiếc nuối. Xuất sắc dành được vòng nguyệt quế cuộc thi tháng, Anh Tuấn để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả khi dành 160 điểm tại phần thi Tăng tốc và tiến thẳng vào vòng thi Quý với 340 điểm.
Nam sinh Olympia Nguyễn Hải Anh Tuấn ngày ấy
Tuy nhiên sau đó, vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia mùa 7 đã gọi tên nhà vô địch Lê Viết Hà chứ không phải chàng trai tới từ Đắk Nông. Song nhiều người nhận định rằng phần thi Tăng tốc của Anh Tuấn là phần Tăng tốc hay nhất lịch sử chương trình. Thậm chí khán giả còn đặt biệt danh cho nam sinh là "máy gắn mô - tơ" vì câu trả lời quá chính xác, tốc độ.
Xuất thân từ miền quê nghèo, Tuấn chọn học tại trường ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và được chọn vào lớp kĩ sư tài năng. Năm 2009, anh quyết định sang du học Nhật Bản, đây cũng là ngã rẽ định mệnh thay đổi cuộc đời cựu thí sinh Olympia 13 năm sau đó.
Nuốt nước mắt làm thuê ở xứ người
Thời điểm mới học ĐH Bách Khoa được 1 năm rưỡi, Tuấn nhận được cùng lúc 2 học bổng của Singapore và Nhật Bản. Mặc dù thích tới Singapore hơn nhưng Tuấn lại quyết định chọn học bổng 100% của đất nước mặt trời mọc vì muốn tiết kiệm tiền, đỡ đần chuyện ăn, ở cho bố mẹ.
Ngày mới sang Nhật, chàng trai 19 tuổi đem theo bao ước mơ, hoài bão đổi đời. Nhưng hiện thực chật vật khiến Tuấn phải đối mặt với cuộc sống du học không như mơ. Anh không có bạn bè, đồng hương hay bất kỳ mối liên kết nào khác. Vùng Osaka nơi anh ở cũng xa trung tâm, đi lại khó khăn.
Anh Tuấn vỡ mộng khi sang Nhật Bản du học
Hòa nhập với cuộc sống mới khó khăn, Tuấn thất vọng, chán nản. Đúng lúc đó, quê nhà gọi điện sang báo tin bố ruột bị bệnh, gia đình anh lại thêm gánh nặng kinh tế, ngày một thắt chặt.
Để kiếm thêm tiền trang trải, Tuấn bắt đầu nhận việc bán thời gian. Khi tiếng chuông giảng đường ca kết thúc cũng lúc anh tất tả chạy đi làm. Tuấn đảm nhận mọi công việc từ bưng bê, khuân vác hàng hóa, công việc giấy tờ văn phòng để có thêm tiền.
"Rất nhiều lần nản chí, vì ở Việt Nam mình cũng học rất tốt, đáng lẽ mình như này, như kia. Vậy mà sang Nhật có những giai đoạn mù mờ, không biết tương lai như thế nào.
Học bổng càng cao mình lại càng áp lực. Thời gian đầu mình không đi làm vì học bổng đã lo hết, cho tới khi bố bị bệnh thì mình bắt đầu công việc bán thời gian từ bê, vác đến công việc văn phòng để phụ một phần", Tuấn tâm sự.
Ngoại hình thay đổi của Anh Tuấn sau 13 năm
Chuyển tới Tokyo, tay trắng dựng cơ đồ
Những khó khăn cũng là động lực để Tuấn quyết định chuyển môi trường sống. Năm 2017, Tuấn quyết định "thoát khỏi vùng hẻo lánh", chuyển tới Tokyo, một thành phố nhộn nhịp ồn ào hơn.
Với vốn tiếng Nhật ổn định, chàng trai Đắk Nông bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động cho người Việt. Từ đây anh kết bạn nhiều hơn, tự tạo một cộng đồng online và offline liên quan đến marketing rồi dần dà mở fanpage, website, chuyên đăng tin tức, viết bài.
Năm 2019, Tuấn đã mở công ty TaiHen NetWork - mạng xã hội Việt Nhật có hơn 1,2 triệu người theo dõi. Đây là nơi kết nối cộng đồng các du học sinh, giúp tìm hiểu về môi trường học tập, các công việc làm thêm, công việc chính... tại xứ mặt trời mọc.
"Công ty hoạt động như một marketing agency, bọn mình cũng nhận những quảng cáo dự án của khách hàng,nhận quay video, sáng tạo nội dung, viết bài, làm sự kiện cho họ. Các đơn vị của Nhật Bản cũng liên hệ để tiếp cận người Việt. Ví dụ như các đơn vị về y tế sức khỏe, các nhãn hàng... họ đều tìm tới công ty", Tuấn cho biết. Bên cạnh đó, anh chàng cũng là một trong 3 Co-founder của công ty về công nghệ thông tin Amela tại Hà Nội.
Tuấn hiện là giám đốc của công ty TaiHen NetWork
Ở tuổi 32, Tuấn đã gây dựng được những viên gạch vững chắc đầu tiên tại nơi đất khách. Sau vài năm hoạt động, công ty của anh đã tiếng nói nhất định trong cộng đồng du học sinh ở Nhật Bản và được đại sứ quán Việt, chính phủ Nhật công nhận, hợp tác.
Bên cạnh sự nghiệp thăng hoa, Tuấn cũng tiết lộ đã mua nhà riêng và đang trong quá trình thi công, hoàn thành. Song chàng trai trẻ vẫn khiêm tốn, cười và nói rằng đang cố gắng đặt ra kế hoạch sẽ lập gia đình trong 1-2 năm nữa.
Để có được thành tựu như ngày hôm nay, Tuấn phải đánh đổi nhiều thứ
Có thể thấy sau 13 năm, nam sinh Olympia năm nào đã có sự trưởng thành vượt bậc. Tuy nhiên sâu thẳm trong anh vẫn khắc khoải niềm mong mỏi, nhớ quê hương, gia đình. Thời gian chính là điều Tuấn phải đánh đổi khi lập nghiệp xa quê. Đã 12 năm anh phải đón Tết xa nhà, một mình gặm nhấm sự cô đơn nơi đất khách.
Chàng trai Đắk Nông vẫn đang phân vân giữa việc tiếp tục định cư ở Nhật hoặc về Việt Nam để có thời gian ở gần chăm sóc bố mẹ, ổn định cuộc sống.
Nguồn: Người kết nối, Ảnh: FBNV