Ngày 6/4, thông tin từ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TPHCM) cho biết, trước khi nhập viện, ông T. bị vật sắc nhọn đâm sâu vào vùng ngực. Dị vật đã được rút ra khỏi cơ thể người bệnh.
![]() |
Vết thương hở ở vùng ngực trái của người bệnh thời điểm vào viện cấp cứu |
Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng vết thương thấu ngực. Thời điểm nhập viện, ông T. có biểu hiện sốc mất máu, lơ mơ, tụt huyết áp, suy hô hấp đe dọa tính mạng. Sau khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã khẩn trương bù dịch, bù máu, chống sốc và lập tức chuyển người bệnh đến phòng mổ cấp cứu.
BS Hà Bửu Kiếm, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim Mạch – Lồng ngực của bệnh viện cho biết, ê kíp bác sĩ đã thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực để thám sát và xử trí thương tổn. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vết thương thấu ngực trái gây đứt động mạch trong ngực, thủng thùy trên phổi bên trái. Vết thương chảy máu ồ ạt, gây tràn khí màng phổi, kèm theo khối máu đông trong khoang màng phổi lớn gây cản trở hô hấp.
![]() |
Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch |
Ê kíp bác sĩ đã tiến hành kẹp 2 đầu động mạch đang chảy máu, khâu vết thương phổi, lấy sạch khối máu đông trong khoang màng phổi, đặt dẫn lưu. Sau hơn 2 giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã giúp người bệnh qua được nguy kịch. Một ngày sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh đã dần phục hồi, có thể ăn uống và sinh hoạt gần như bình thường.
Từ trường hợp trên, BS Hà Bửu Kiếm khuyến cáo, các trường hợp bệnh nhân nếu không may bị các vết thương ở vùng ngực có thể gây tổn thương cơ quan quan trọng trong lồng ngực như: tim, phổi, mạch máu lớn,... đe dọa đến tính mạng thì cần được lập tức đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu và đầy đủ hệ thống trang thiết bị hiện đại để được phẫu thuật, điều trị kịp thời.