Bài viết của Claire Hughes Johnson, cố vấn cho dịch vụ tài chính Stripe, tác giả cuốn “Scaling People” và là giảng viên tại Trường Kinh doanh Harvard. Trước đây, cô là Giám đốc điều hành của Stripe và đã có 10 năm làm việc tại Google, nơi cô làm nhiệm vụ giám sát các khía cạnh của Gmail, Google Apps và hoạt động của người tiêu dùng. Claire hiện là Chủ tịch HĐQT Học viện Milton (Mỹ).
Trong suốt 10 năm làm việc tại Google với tư cách là Phó Giám đốc phụ trách mảng Sale trực tuyến toàn cầu, có những tuần tôi dành tới 40 tiếng để phỏng vấn các ứng viên xin việc. Vì vậy, để dễ dàng hơn khi phỏng vấn, tôi luôn tìm kiếm đặc điểm này đầu tiên ở các ứng viên, trước tất cả những yếu tố khác, đó là sự tự nhận thức. Hiểu đơn giản, tự nhận thức là hiểu rõ tính cách, điểm mạnh và đặc biệt là điểm yếu của bạn.
Claire Hughes Johnson
Tất nhiên kinh nghiệm và kỹ năng cũng rất quan trọng nhưng chúng có thể học được. Nhưng với những ai có khả năng tự nhận thức cao, họ sẽ nhiều động lực hơn để học hỏi bởi họ trung thực trong việc biết những gì mình cần phải làm, theo một nghiên cứu của 2 giáo sư đến từ ĐH bang Portland và ĐH Michigan (Mỹ). Họ cũng có quan hệ tốt hơn với đồng nghiệp và người quản lý bởi tự nhận thức cũng là một phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ).
Bên cạnh đó, đây cũng là đặc điểm hiếm có: Một nghiên cứu của tiến sĩ, nhà tâm lý học Tasha Eurich đăng trên Harvard Business Review đã chỉ ra mặc dù 95% mọi người nghĩ rằng họ tự nhận thức được bản thân nhưng thực tế chỉ có 10-15% làm được điều này
Cách kiểm tra khả năng tự nhận thức
Tôi luôn theo dõi 2 từ khóa: Nếu một người nói quá nhiều từ “tôi” là một dấu hiệu cho thấy họ có thể không khiêm tốn hoặc không hợp tác còn nếu họ nói quá nhiều từ “chúng tôi”, điều này làm che lấp vai trò của bản thân họ trong tình huống, câu chuyện. Cần có một sự cân bằng.
Ảnh minh họa
Tôi thường nhận ra một điều gì đó về ứng viên khi hỏi về vai trò cụ thể của họ. Một câu trả lời tích cực có thể là: “Đó là ý tưởng của tôi, nhưng công lao thuộc về cả nhóm”. Tôi cũng hỏi ứng viên về cách đồng nghiệp mô tả họ. Nếu họ chỉ nói những điều tốt đẹp, tôi sẽ thăm dò cả những phản hồi mang tính xây dựng mà họ nhận được.
Sau đó, tôi sẽ hỏi: “Bạn đã làm gì để cải thiện?” để kiểm tra định hướng của họ đối với việc học tập và cải thiện bản thân, đồng thời để xem liệu họ có ghi nhớ phản hồi đó hay không.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu bạn không có khả năng tự nhận thức, bạn sẽ liên tục nhận được phản hồi mà bạn không đồng ý. Điều này không có nghĩa là phản hồi nào cũng đúng, nhưng nó có nghĩa là cách người khác nhìn nhận về bạn khác với cách bạn nhìn nhận về bản thân.
Không những vậy, bạn còn thường cảm thấy thất vọng và khó chịu vì không đồng ý với hướng đi hoặc quyết định của nhóm. Cuối ngày làm việc, bạn cảm thấy kiệt sức nhưng không thể xác định lý do tại sao. Đồng thời, bạn không thể mô tả những loại công việc mình thích làm và không thích làm.
Làm sao để xây dựng sự tự nhận thức?
Ảnh minh họa
Hiểu giá trị của bản thân: Biết điều gì là quan trọng đối với bạn, điều gì mang lại cho bạn năng lượng và điều gì khiến bạn kém nhiệt huyết hơn sẽ giúp bạn hiểu được cách bạn làm việc. Nhờ đó, bạn sẽ thể hiện được giá trị của chính mình và biết liệu chúng có mâu thuẫn với những người đồng nghiệp khác hay không.
Xác định phong cách làm việc của mình: Hãy dành mộtvài tuần để viết lại những khoảnh khắc bạn cảm thấy mình đạt đến tầm cao mới trong công việc hoặc xuống mức thấp nhất. Bạn sẽ tìm được câu trả lời. Nếu không thể ngay lập tức nhận định, hãy hỏi một người làm việc thân cận như đồng nghiệp hoặc quản lý: “Bạn thấy tôi làm việc tốt nhất và tệ nhất khi nào?”
Phân tích kỹ năng và khả năng của bạn: Khi tham gia vào cuộc phỏng vấn là lúc bạn phải tự tin nói về điểm mạnh và điểm yếu của mình. Hãy tự hỏi mình hai câu hỏi:
Mình có thể làm gì tốt? Những kỹ năng nào bạn có và những kỹ năng nào bạn cần xây dựng?
Khả năng của mình đến đâu? Bạn bẩm sinh giỏi về cái gì và những khả năng nào mà bạn có được theo thời gian?
Eric Yuan, người sáng lập kiêm CEO của Zoom, có một bài tập tuyệt vời khác: Anh ấy dành 15 phút để suy nghĩ vào cuối ngày. “Tôi tự hỏi: Tôi đã làm tốt điều gì? Tôi có phạm sai lầm nào không? Tôi có thể cải thiện vào ngày mai không? Đôi khi tôi viết chúng ra nhưng hầu hết tôi thấy suy nghĩ là đủ”, Yuan nói.