Tờ South China Morning Post vừa dẫn câu chuyện về cô Suimei, một người phụ nữ vừa ly hôn, 42 tuổi, đang sống cùng mẹ già và con trai trong một căn phòng rộng 9m2. Ở nơi mà cô gọi là “nhà” không hề có phòng bếp hay phòng ngủ riêng biệt. Họ thường dùng bữa trên chiếc bàn gấp nhỏ. Cậu con trai thậm chí phải ăn tối trên giường cho đỡ chật, còn trên đầu là một dây treo quần áo lơ lửng.
Phòng tắm “nhà” chị Suimei rộng chưa đầy 1m2, hầu hết không gian dành cho bồn cầu và bồn rửa mặt. Diện tích chật chội không đủ chỗ cho 2 người đứng cùng một lúc nên khi tắm cho con trai, cô Suimei phải đứng ở bên ngoài. Hệ thống thoát nước dễ tắc nên 2 mẹ con chỉ được phép tắm 5 phút mỗi lần, nếu không, nước thải hôi thối sẽ lênh láng khắp căn phòng.
Gia đình nhỏ này chia nhau chiếc giường tầng nhỏ hẹp: Suimei và con trai nằm trên, mẹ già nằm dưới. Họ thường phải đóng kín cửa sổ bởi căn phòng ngay cạnh bãi rác. Hệ thống thông gió tạm bợ khiến nó trở nên ngột ngạt, chứ không muốn nói là bẩn thỉu khi mà chuột, gián chạy lung tung khắp phòng.
"Con trai vẫn thường thắc mắc tại sao chúng tôi phải sống trong một nơi chật hẹp đến vậy. Tôi chỉ có thể nói với nó rằng mẹ quá nghèo để mua một căn nhà lớn hơn", cô Suimei kể.
Một căn nhà siêu nhỏ tại Hong Kong (Trung Quốc)
Đó là một căn phòng bị chia 3 xẻ 7 trong tòa nhà chung cư cũ kĩ 7 tầng. Mỗi tháng, cô Suimei phải trả 4.000 đô la Hong Kong (tương đương gần 12 triệu đồng) cho căn phòng chưa đầy 10m2 - một khoản tiền chiếm hơn 50% thu nhập hàng tháng.
"Tôi cảm thấy kiệt sức và vô vọng. Tôi thậm chí không có góc nhỏ riêng tư nào trong nhà để trút bỏ cảm xúc", cô chia sẻ.
LÁCH LUẬT
Theo SCMP, hiện có khoảng hơn 220.000 người dân đang sống tại 110.000 căn hộ chia nhỏ. Phần lớn trong số chúng nằm rải rác trong các tòa nhà đổ nát, những tòa chung cư cũ với điều kiện sinh hoạt ẩm thấp và vô cùng chật chội. Nhiều căn còn được mệnh danh là “nhà 3 không”: Không chủ sở hữu, không ban quản lý dân cư và không công ty quản lý tài sản.
Kết quả một cuộc khảo sát được công bố hồi năm ngoái cho thấy, những lo ngại về nguồn điện, tính hợp pháp và lối thoát hiểm tạm bợ nếu không may xảy ra hỏa hoạn là những nguyên nhân hàng đầu khiến người thuê nhà chia nhỏ bất an.
Nhiều căn nhà chia nhỏ đã bị dỡ bỏ do điều kiện sinh hoạt tạm bợ
Theo Giáo sư Yau Yung, việc chia nhỏ các căn hộ đến cùng cực sẽ khiến lối thoát hiểm trở nên hẹp và dài. Hệ thống thông gió kém cũng khiến chúng trở nên dễ phát hỏa vì khói bếp. Một số vách ngăn còn không có khả năng chống cháy. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ và lắp đặt các vách ngăn mới để mở thêm không gian cho nhà vệ sinh và nhà bếp sẽ mất an toàn và không vệ sinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người thuê nhà.
Được biết, 1.913 lệnh dỡ bỏ hoàn toàn những công trình như vậy đã được ban hành từ năm 2016 đến năm 2020 do vi phạm điều khoản cơ bản. Số yêu cầu được đưa ra trong năm ngoái và quý I/2022 lần lượt là 475 và 18 yêu cầu.
Theo SCMP, số lượng các căn hộ được cấp phép tại Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm từ 15 căn trong năm 2011 xuống còn 9 căn trong năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi những khu vực sinh hoạt tạm bợ như thế này bị siết chặt kiểm soát, “nhà lồng” rộng chưa tới 2m2 không được cấp phép vẫn ngang nhiên tồn tại.
"ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ"
Ông Yau Sai, 68 tuổi, đang phải trả 2.000 đô la Hong Kong/tháng (gần 6 triệu đồng) để sống trong một khu nhà tạm bợ không giấy phép. Ông cho biết mình phải sống chung với 18 người khác. Mỗi người được chia một khoang lồng nhỏ.
Do không quan quá chật chội, những người sống trong nhà lồng khó duỗi thẳng chân tay
Những chiếc lồng này xếp chồng lên nhau. Mỗi khoang chỉ đủ cho một người nằm và với chiều cao của ông Yau Sai (1m8), ông thậm chí không thể duỗi thẳng chân, ngồi thẳng người. Tất cả sẽ dùng chung 1 căn bếp nhỏ và 3 phòng tắm. Để đảm bảo sự riêng tư, ông Sai luôn đóng kín cửa lồng, song điều này không ngăn được tiếng ồn phát ra từ những khoang lồng khác.
Vợ chồng cô May Lau, 34 tuổi, thì sống trong một căn hộ đỡ chật hơn một chút, khoảng 14m2 với giá thuê 6.200 đô la Hong Kong/tháng (khoảng gần 20 triệu đồng). Với mức thu nhập hàng tháng dưới mức nghèo khổ của người chồng, gia đình này không thể thuê một căn hộ đàng hoàng hơn.
Theo lời kể của Lau, căn nhà này không có phòng ngủ hay nhà bếp riêng, cũng không có chỗ để ghế hay ti vi. Họ phải dùng bữa trên một chiếc bàn nhỏ và nỗi lo nhà tăng giá thì luôn thường trực.
"Đó không phải là nhà. Tôi không cảm thấy thân thuộc ở đây", cô buồn rầu nói.
Tường và trần nhà ẩm mốc, trong khi cống thoát nước luôn bốc lên mùi hôi thối
Theo một báo cáo về chất lượng sống được công bố hồi tháng 8/2021, hầu hết 347 hộ gia đình tham gia khảo sát đều phàn nàn về điều kiện sinh hoạt không đạt chuẩn. Họ nói bản thân đã quá quen với cảnh sống chung với chuột, muỗi và bọ. Tường và trần nhà ẩm mốc, trong khi cống thoát nước luôn bốc lên mùi hôi thối. Nhiều căn thậm chí còn không có cửa sổ.
Một cuộc khảo sát khác với 385 hộ gia đình đang sống trong những căn nhà lồng cho thấy, cứ 3 hộ thì có 1 hộ cảm thấy không an toàn trong thời kỳ đại dịch. Hơn một nửa trong số này phải dùng chung nhà vệ sinh với 7-10, thậm chí là 16-20 người. Đa số nhà bếp và nhà vệ sinh không sạch sẽ.
Trong khi đó, khoảng 3/4 trong số 78 người sống trong các căn hộ chia nhỏ bị trầm cảm, từ trung bình đến nặng. Nhiều người còn bị căng cơ, mắc các bệnh tim mạch, một số vấn đề về hô hấp và rối loạn tinh thần. Trẻ em sống trong các căn hộ này cũng đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về mắt do thiếu ánh sáng tự nhiên. Nhiều em còn bị ảnh hưởng cột sống do phải học trên giường.
Nhiều người dân sống tại những căn nhà lồng chia nhỏ đã bị trầm cảm
Tình trạng này vốn bắt nguồn từ khủng hoảng thiếu đất tại Hong Kong (Trung Quốc). Nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh những khu vực cần được quy hoạch làm nhà ở. Khoảng 25% tổng diện tích đất 1.110 km2 của Hong Kong đã được giải phóng, trong khi phần còn lại vẫn còn khá nguyên sơ, chủ yếu là vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn.
Theo: SCMP