Kỹ năng sống

Cuộc chiến tranh giành nhân viên ngoại quốc

Các biện pháp kiểm soát đại dịch và quy định nhập cư cứng nhắc của Trung Quốc đã khiến việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài trở nên khó khăn. Ngay cả khi quốc gia này dỡ bỏ các rào cản với người nước ngoài nhưng nhiều công ty tuyển dụng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các khu vực khác ở châu Á.

Lance Chui, Phó chủ tịch cấp cao ở công ty nhân sự ManpowerGroup Greater China tại Hong Kong cho biết, để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực, các quốc gia đang triển khai các phương pháp tiếp cận mới để thu hút và giữ chân nhân tài. "Các nhân tài ngoại quốc, từ y tế đến kỹ sư phần mềm ngày nay nhiều khả năng lựa chọn quốc gia có mức thuế rẻ và các quy định nhập cư thuận lợi, để làm việc", bà Chui nói.

Bên cạnh việc công ty đưa ra mức lương hấp dẫn, trợ cấp nhà ở và hỗ trợ giáo dục cho trẻ em phù hợp, giới chức trách có thể giúp đỡ bằng các đơn giản hóa thị thực làm việc và các quy định cư trú.

Omar Traboulsi, người làm việc lâu năm trong lĩnh vực thời trang từng cân nhắc chuyển đến Anh làm việc, để gần họ hàng. Nhưng cuối cùng anh lại chọn Hong Kong bởi thành phố này có thủ tục nhập cảnh dễ dàng cho công dân Lebanon. Người đàn ông 42 tuổi vừa đến Hong Kong hồi tháng 7 với vai trò quản lý quan hệ với các khách hàng VIP cho thương hiệu đồng hồ xa xỉ Wristcheck. Ở đây, Omar nói bản thân được chào đón và hưởng nhiều chế độ đãi ngộ tốt.

Một gia đình người nước ngoài khởi hành từ sân bay quốc tế Chek Lap Kok của Hồng Kông. Ảnh: AFP

Một gia đình người nước ngoài khởi hành từ sân bay quốc tế Chek Lap Kok của Hồng Kông. Ảnh: AFP

Nhiều năm nay, các cuộc tranh nhau tìm kiếm nhân tài nước ngoài tại các nước châu Á càng trở nên căng thẳng hơn khi tỷ lệ sinh của khu vực giảm. Nguyên nhân là do tỷ lệ kết hôn cũng bị chậm lại bởi chi phí chăm sóc trẻ nhỏ tăng cao, đồng thời người trẻ tập trung cho sự nghiệp và đời sống cá nhân hơn lập gia đình, sinh con.

Năm 2021, Hong Kong ghi nhận 772 ca sinh trên 1.000 phụ nữ, một trong những mức thấp nhất thế giới. Theo thống kê, tỷ lệ sinh trong 38 năm qua ở nơi đây luôn "dưới mức thay thế".

Crystal Hui, 47 tuổi, ở Hong Kong quyết định không kết hôn hay sinh con. Cô nói, dịch bệnh ập đến khiến bản thân không chắc chắn bất kỳ điều gì. Bên cạnh đó Crystal hiện là nhân viên tại một trường học tư nhân, phải tiếp xúc với trẻ em hàng ngày, nên quá mệt mỏi khi nghĩ đến việc dành thời gian cho con cái vào buổi tối.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các nền kinh tế phát triển khác ở châu Á. Ở Nhật Bản, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm từ cuối những năm 1980, và đến năm ngoái, dân số của nước này chỉ còn 125 triệu người.

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD), riêng năm 2021 có khoảng 840.000 công nhân nhập cư châu Á trên khắp thế giới trở về quê hương bởi đại dịch, buộc các quốc gia có chính sách mới để thu hút nhân lực.

Aiko Kikkawa, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Manila (Philippines) cho biết, Nhật Bản đang thu hút nhân tài bằng cách cung cấp quyền thường trú cho các y tá ngoại quốc nếu họ vượt qua các kỳ kiểm tra kỹ năng, đồng thời người sử dụng lao động sẵn sàng giữ chân họ.

Tại Singapore, tỷ lệ sinh đã giảm xuống chỉ còn 1,12 ca sinh trên một phụ nữ trong 40 năm qua. Từ năm 2023, chính phủ lên kế hoạch cho phép vợ hoặc chồng của nhân viên nước ngoài được định cư, chỉ cần có sự chấp nhận trước.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng cho biết sẽ triển khai chương trình cấp visa thực tập cho sinh viên ngoại quốc đủ điều kiện làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, từ tháng 8 năm nay.

Ở Đài Loan, Hội đồng Phát triển Quốc gia cho biết nền kinh tế cần 400.000 nhân viên nước ngoài trong thập kỷ tới. Để thu hút nhân tài, giới chức trách đã đưa chương trình "thẻ vàng" (kết hợp giấy cư trú và giấy phép lao động), khi số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ dân số sẽ giảm vào năm 2031.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ gỡ bỏ chính sách Zero Covid nghiêm ngặt, điều này ngăn cản nhiều người ngoại quốc nhập cảnh khiến các doanh nghiệp đa quốc gia thất vọng và bực bội. Khảo sát của Tổ chức Di cư Quốc tế, Bắc Kinh đặt mục tiêu thu hút nhân tài là công dân Trung Quốc đang học tập và làm việc ở nước ngoài về nước, hành động này sẽ giúp việc hòa nhập trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng dù đưa ra mức lương cạnh tranh và visa làm việc dễ dàng, nhưng các chuyên gia cho biết các nhân viên ngoại quốc cần thêm cơ hội để tỏa sáng. Như các công ty ở Hong Kong và Singapore đã cho phép người nước ngoài thăng chức, ngay cả khi không theo lộ trình thăng tiến từ ngày đầu tiên. Nhưng không phải đơn vị nào cũng làm vậy.

Syaru Shirley Lin, Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm tư vấn khả năng phục hồi và đổi mới châu Á - Thái Bình Dương tại Đài Loan, cho biết các vấn đề văn hóa và kinh tế xã hội có thể nảy sinh nếu lao động nước ngoài không thể trở thành một phần của xã hội.

"Việc quá dựa dẫm vào nhập khẩu lao động sẽ gây nguy cơ bị phản ứng dữ dội từ cộng đồng địa phương, đặc biệt tại nhiều khu vực châu Á chưa chấp nhận văn hóa nhập cư hoặc quốc tế hóa", bà Syaru nói thêm.

(Theo SCMP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm