Theo Economist, gần như tất cả các công ty công nghệ lớn đều đang chạy đua để phát triển các thiết bị AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo). Họ tin rằng những thiết bị vốn từ lâu được cho là một thị trường ngách này sẽ chín muồi để thành một mảng thiết bị lớn hơn.
Meta, công ty mẹ của Facebook, đã bán được 10 triệu thiết bị Quest 2 trong 18 tháng trở lại đây. Trong khi đó, Cambria, thiết bị đeo tiên tiến nhất của nó, sẽ lên kệ vào năm tới. Microsoft cũng đang giới thiệu thiết bị HoloLens 2 đến các khách hàng doanh nghiệp.
Cùng thời điểm, Apple được kỳ vọng sẽ giới thiệu thiết bị đeo đầu tiên của mình vào đầu năm 2023. Apple cũng đang có kế hoạch phát triển nhiều thiết bị tiên phong ở mảng này. Google đang phát triển một thiết bị kính có tên Iris. Cuộc chơi cũng diễn ra ở các công ty công nghệ quy mô nhỏ hơn như ByteDance, Sony hay Sharp.
Có hai lý do khiến các công ty công nghệ quan tâm đến mảng thiết bị AR và VR. Một trong số đó là doanh số bán hàng. IDC dự đoán khoảng 16 triệu thiết bị AR và VR sẽ được bán trong năm nay. Đây vẫn là con số khá khiêm tốn song nó có thể cạnh tranh được với doanh số bán smartphone tại các thị trường phát triển trong khoảng 10 năm tới. “Một số người hỏi tôi rằng liệu chúng có lớn như những gì smartphone tạo ra không, tôi nghĩ nó còn lớn hơn thế”, ông Hugo Swart của Qualcomm, nhận định.
Quan trọng hơn, các công ty công nghệ đều muốn kiểm soát được nền tảng công nghệ lớn tiếp theo. Apple và Goole hiện là những “địa chủ” lớn ở lĩnh vực smartphone khi họ có thể thu phí cho mỗi giao dịch được thực hiện trên nền tảng của mình đồng thời thiết lập ra các quy định mà các công ty như Facebook phải tuân theo. Bất kỳ ai có được chỗ đứng ở thị trường AR/VR trong tương lai cũng sẽ có được thứ quyền lợi tương tự.
Cuộc tìm kiếm nền tảng công nghệ tiếp theo đến trong bối cảnh thị trường smartphone bắt đầu có những dấu hiệu bão hoà. Số lượng smartphone bán ra ở Mỹ giảm từ đỉnh cao 176 triệu máy vào năm 2017 xuống còn 153 triệu máy vào năm 2021, theo IDC.
Mô hình kinh doanh quảng cáo của Google và Facebook chịu nhiều chỉ trích liên quan đến vấn đề riêng tư. Đáp lại, Mark Zuckerberg, CEO Meta, đặt cược tương lai của công ty vào metaverse. Ông Satya Nadella, CEO Microsoft, cho biết AR/VR sẽ là một trong 3 công nghệ nhận được đầu tư lớn của hãng này (bên cạnh trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử). Lãnh đạo của Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng có những chia sẻ tương tự.
Đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực AR/VR đạt mốc gần 1 tỷ USD trong quý IV/2021, một cột mốc kỷ lục, theo Crunchbase.
Khoảng 90% thiết bị được bán trên thị trường hiện nay là thiết bị VR. Kể từ khi thâu tóm Oculus vào năm 2014, Meta đang là “bá chủ” về thị phần theo doanh số bán ra (chiếm khoảng 80%).
Chiến lực của Meta với VR vẫn chủ yếu xoay quanh quảng cáo. Meta cố gắng bán được nhiều thiết bị nhất có thể để xây dựng người dùng cho các nhà quảng cáo, ông George Jijiashvili đến từ Omdia nhận định.
Meta cũng tạo ra doanh thu từ kho ứng dụng của mình. Omdia dự đoán từ năm tới thị trường nội dung VR sẽ vượt qua phần cứng VR. Một trong những động lực của Mark Zuckerberg đẩy mạnh phát triển nền tảng này là không còn phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất điện thoại trong việc phân phối ứng dụng của mình. Bản thân Meta cũng đang thu phí các nhà phát triển ứng dụng tren Quest, tương tự như cách Google và Apple thực hiện trên smartphone. Dù vậy, Meta từ chối chia sẻ thông tin chi tiết.
Một số công ty khác đang đẩy mạnh nghiên cứu về AR, công nghệ mang đến các trải nghiệm thế giới ảo chân thực hơn đối với người dùng. Dù vậy, cho tới thời điểm hiện tại, các thiết bị kính AR vẫn là một thị trường ngách nhỏ.
Chi phí cao và hiệu năng hạn chế khiến những thiết bì này chưa quá hấp dẫn. Thiết bị AR bán chạy nhất trong năm 2021 là HoloLens 2 (Microsoft) có giá lên tới 3.500 USD và chủ yếu nhắm đến các khách hàng lớn. Magic Leap, một startup ở Floria, sẽ ra mắt thế hệ kính AR thứ 2 của mình, vào tháng 9 tới. Startup này nhắm tới các ngành công nghiệp như chăm sóc y tế và sản xuất thay vì là lĩnh vực tiêu dùng.