Công nghệ

Cuộc chiến không cân sức với AI nhận dạng khuôn mặt

Matthias Marx, nhà hoạt động người Đức, nghe nói về Clearview AI hồi năm 2020, khi công ty thông báo đã phân tích hàng tỷ bức ảnh trên Internet để xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ về khuôn mặt. Khách hàng của Clearview, trong đó có các cơ quan hành pháp, có thể dùng công nghệ nhận diện của công ty để tìm kiếm ảnh chứa từng khuôn mặt cụ thể theo yêu cầu.

Marx gửi email đến Clearview để xác định công ty có lưu trữ khuôn mặt mình trong cơ sở dữ liệu không. Một tháng sau, anh nhận được thư hồi đáp kèm hai ảnh chụp màn hình. Các bức ảnh được người khác chụp từ cách đó 10 năm, khi anh tham gia cuộc thi tuyển kỹ sư của Google.

Poster minh họa công nghệ nhận diện khuôn mặt tại một hội chợ ở Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters.

Poster minh họa công nghệ nhận diện khuôn mặt tại một hội chợ ở Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Reuters

Marx không biết nhiếp ảnh gia đã bán các tấm hình cho những website cung cấp ảnh nào khi chưa được anh cho phép. "Tôi không còn kiểm soát được cách mọi người sử dụng dữ liệu của mình", anh nói và cho rằng Clearview đã vi phạm đạo luật riêng tư của châu Âu khi khai thác khuôn mặt và dữ liệu sinh trắc không xin phép.

Tháng 2/2020, Marx nộp đơn kiện lên cơ quan quản lý quyền riêng tư ở thành phố Hamburg. Đây là đơn kiện đầu tiên nhằm vào Clearview ở châu Âu. Giới chức địa phương cho biết vụ kiện đã kết thúc, trong khi Marx nói anh chưa được thông báo kết quả.

"Đã hai năm rưỡi từ khi tôi kiện Clearview AI và vẫn chưa biết kết quả. Tốc độ quá chậm, dù đã tính đến việc đây là vụ đầu tiên và chưa có tiền lệ", Marx nói.

Khuôn mặt của hàng triệu người đang xuất hiện trên công cụ tìm kiếm của các công ty như Clearview. Đây là khu vực có luật riêng tư chặt chẽ nhất thế giới, nhưng các nhà quản lý lại gặp khó khăn trong thực thi chúng. Nhiều người và nhóm hoạt động đã nộp đơn sau Marx. Hồi tháng 10, Pháp trở thành nước thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU) phạt Clearview 19 triệu USD vì vi phạm luật riêng tư của khối. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa xóa khuôn mặt nào khỏi cơ sở dữ liệu, đồng thời cũng không nộp phạt theo quyết định của Italy và Hy Lạp. Vấn đề ngày càng bùng nổ khi hàng loạt công ty đang bắt đầu kiếm tiền từ dữ liệu khuôn mặt người dân, không chỉ riêng Clearview.

Marx cho rằng Clearview không thể xóa vĩnh viễn khuôn mặt anh khỏi nền tảng của họ. Công nghệ này liên tục quét Internet để thu thập dữ liệu nên sẽ sớm đưa mặt anh trở lại nền tảng. Công ty cho biết sắp đạt mốc 100 tỷ bức ảnh trong cơ sở dữ liệu năm nay, tương đương trung bình mỗi người trên thế giới có 14 bức ảnh trong hệ thống Clearview AI.

Marx cũng phát hiện ảnh của anh đã bị phát tán khắp nơi, trong đó hàng loạt bức hình không có trong hệ thống Clearview nhưng lại xuất hiện trên PimEyes. Đến tháng 3, anh lại tìm ra bốn ảnh trong cơ sở dữ liệu Public Mirror, kèm đường dẫn đến những bài viết chứa ảnh gốc.

Mỗi nền tảng đều hé lộ một số thông tin cá nhân về Marx. "Mọi người có thể tìm ra nơi tôi theo học, đảng phái tôi ủng hộ", anh nói. Ảnh được các nền tảng tổng hợp cho thấy ngành công nghiệp nhận diện khuôn mặt có khả năng tiết lộ nhiều dữ liệu hơn bất kỳ mạng xã hội nào.

Hành trình xóa khuôn mặt khỏi các nền tảng tìm kiếm của Marx đã kéo dài suốt gần ba năm. Ban đầu, anh chỉ muốn một công ty trong số này ngừng thu thập dữ liệu về mình. Còn hiện nay, mục tiêu của anh đã mở rộng khi kêu gọi giới quản lý ngăn chặn các nền tảng thu thập dữ liệu của người dân châu Âu. Để làm điều đó, các nhà quản lý phải trừng phạt Clearview để làm gương, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì đáng kể.

(theo Wired)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm