Sáng 18.4, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 7 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) tiếp xúc cử tri ở quận Phú Nhuận. Cử tri bày tỏ lo ngại về vấn đề sữa giả, thuốc giả và người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm này.
Cử tri đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng hàng giả và đề nghị xử lý nghiêm hành vi này.
Bên cạnh đó, cử tri còn quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm; việc sắp xếp phường, xã, quận, huyện cũng như vấn đề tinh gọn bộ máy; vấn đề xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông theo Nghị định 168 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bất cập về thời gian đèn xanh - đỏ ở các giao lộ lớn…
Ai chịu trách nhiệm về sữa giả, thuốc giả?
Liên quan đến vấn đề sữa giả, thuốc giả, cử tri Nguyễn Văn Phước phát biểu, hiện nhiều người quảng cáo, bán thuốc giả, sữa giả thu lợi nhuận hàng tỉ đồng nhưng không đúng chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại cho người dân. Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, quản lý chặt chẽ trên không gian mạng để người dân yên tâm và tin tưởng khi mua hàng hóa trên mạng.

Cử tri ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) bày tỏ bức xúc và đề nghị xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả
ẢNH: DUY TÍNH
Còn cử tri Nguyễn Quốc Cường thì đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý vụ gần 600 sản phẩm sữa giả cho trẻ em, bà bầu, người yếu thế. Có mức án phạt cao, đủ sức răn đe để không ai dám tái phạm.
"Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng là hệ thống tuyên truyền nhanh và rộng nhưng có mặt trái của nó là một số người sử dụng mạng "ra rã" quảng cáo sữa cho trẻ em, bà bầu, tiểu đường, xương khướp. Đề nghị cơ quan chức năng đẹp bỏ những quảng cáo này, không để các đối tượng tung hoành, gây hại", cử tri Nguyễn Quốc Cường bức xúc.
Cử tri Lê Văn Thanh đặt vấn đề: "Cơ quan chức năng ở đâu không xử lý mà để tồn tại, lưu thông trên thị trường gần 600 loại sữa giả, 200 thuốc giả. Họ lôi kéo diễn viên, người mẫu, người nổi tiếng để quảng cáo các sản phẩm này khiến người tiêu dùng mắc bẫy, rất là nguy hiểm".
Theo cử tri Lê Văn Thanh, Bộ Công thương và Bộ Y tế đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy, trong cuộc họp tới, Quốc hội làm sao mổ xẻ vấn đề này ra. Ai chịu trách nhiệm về sản xuất, lưu hành thuốc giả, sữa giả gây nguy hiểm cho người tiêu dùng?
Đây là tội ác
"Chúng ta có nhiều thay đổi để quản lý một cách hoàn thiện hơn. Nhưng hàng gian, hàng giả, nhập lậu, trốn thuế đang là vấn nạn cực kỳ nguy hiểm, chính người dân tham gia trực tiếp vào các việc này, chưa kể là trên mạng xã hội", đại biểu biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ với cử tri quận Phú Nhuận.
Nhưng để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này, theo đại biểu Phong Lan thì phải có rất nhiều cơ chế nội bộ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan
ẢNH: DUY TÍNH
Đại biểu Phong Lan cũng cho rằng người dân bức xúc là vì hàng gian, hàng giả lại là sữa dành cho đối tượng yếu thế là trẻ em, phụ nữ có thai, người bệnh, người già… Có thể nói đây là tội ác. Câu hỏi của cử tri rất đúng, đó là tại sao trong 4 năm qua mà không có ai kiểm tra sữa giả? Chất lượng sữa này ra sao, giả này như thế nào?
"Gần 600 loại sữa giả xảy ra ở phía bắc, điều đó không có nghĩa là TP.HCM an toàn. Vì qua rà soát các kênh phối phối hiện đại thì chưa phát hiện, nhưng ở các cửa hàng nhỏ lẻ thì chưa chắc được, vì thị trường ở TP.HCM không thua kém Hà Nội", đại biểu Phong Lan nói.
Theo đại biểu, tự công bố sản phẩm với thực phẩm đóng gói là của doanh nghiệp, sau đó họ tự động sản xuất, kinh doanh. Nhưng trách nhiệm của cơ quan nhà nước là kiểm tra, thanh tra. Còn với sản phẩm liên quan đến sức khỏe thì doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố và nộp lên cơ quan quản lý nhà nước để được xét duyệt xem có đạt hay không rồi mới sản xuất, lưu hành. Sau đó là hậu kiểm. Nhưng công bố hay tự công bố mà hậu kiểm không làm tốt thì cũng giống nhau.
Tại TP.HCM, hồ sơ công bố, tự công bố sản phẩm từ năm 2018 đến nay là 296.000 hồ sơ. Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sắp xếp thứ tự ưu tiên để kiểm tra chứ không thể hậu kiểm xuể, vì vậy nguy cơ vẫn còn.
"Nếu một công ty đăng ký hàng chục nhãn sữa là phải kiểm tra; những sản phẩm quảng cáo quá lố là phải kiểm tra", đại biểu Phong Lan nói và khuyến cáo cử tri, người dân hãy mua sản phẩm ở những cơ sở hợp pháp, có hóa đơn chứng từ...
Xử lý hành vi buôn sản xuất thuốc giả chưa đủ sức răn đe
Về thuốc giả, theo đại biểu Phong Lan, một trong những rào cản khiến cho việc kiểm soát chưa chặt chẽ là lực lượng ngành thanh tra chưa đủ mạnh. Rất nhiều vụ việc phải nhờ đến công an mới phát hiện được.
Theo đại biểu, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả giống như "giết người" một cách từ từ, nhưng xử phạt còn rất nhẹ so với các nước, chưa đủ sức răn đe, chưa đi đến tận cùng của vấn đề. Đó là chưa kể người tiêu dùng bị thiệt hại mà không được đền bù.