Kỹ năng sống

Cứ tranh thủ hưởng thụ hay phải tiết kiệm dè sẻn rồi mới dám có con?

Thời điểm vừa kết hôn, ngoài bàn chuyện tài chính thì vợ chồng trẻ cũng đã lên sẵn kế hoạch mua nhà, có con. Có nhiều cặp đôi mới cưới có chung quan điểm: Trước khi có con phải tiết kiệm được ít nhất 50% tổng thu nhập của 2 vợ chồng. "Nếu tài chính không vững mà đã vội có con, thì khả năng xảy ra mâu thuẫn vợ chồng là rất cao." Đây là chia sẻ của cặp vợ chồng Ngọc Vinh (1996, Huế) khi chứng kiến những cuộc cãi vã trong gia đình vì tiền nong.

Vợ chồng trẻ nên tiết kiệm hay dành tiền tận hưởng nhiều hơn?

Xoay quanh vấn đề tài chính trong gia đình, có 2 luồng quan điểm chính: Người thì cho rằng dành 1 vài năm để tận hưởng cuộc sống tự do, dành tiền đi du lịch trước khi có con để không phải nuối tiếc tuổi trẻ. Số còn lại thì mong muốn xây dựng được quỹ tài chính vững chắc, tiết kiệm nhiều hơn để phòng trừ những trường hợp nguy cấp như có con ngoài dự tính, hay muốn mua nhà, đầu tư, thất nghiệp,... đại loại là những rủi ro bất chợt ập đến.

Vợ chồng Ngọc Vinh cho rằng, song hành tiết kiệm và tận hưởng thì tốt hơn. Không tiêu tiền quá nhiều cho du lịch, mua sắm, nhưng cũng không chỉ chăm chăm tiết kiệm và gạt bỏ hết nhu cầu: "Mình nghĩ, nếu có dự định mua nhà và sinh con thì cần lên kế hoạch trước. Vì nếu như còn trẻ, mà vội vã tiết kiệm bằng cách hạn chế du lịch, ăn uống, mua sắm thì cũng rất tiếc. Sau này, khi có nhiều trách nhiệm hơn thì những trải nghiệm cũng hạn chế hơn. Tiết kiệm vừa phải thôi chứ không cần dè sẻn quá.

Cứ tranh thủ hưởng thụ hay phải tiết kiệm dè sẻn rồi mới dám có con? - Ảnh 1.

Vợ chồng trẻ học cách tiết kiệm, tuy nhiên không cần phải gạt bỏ hết tất cả nhu cầu vui chơi, mua sắm. (Ảnh minh họa Pinterest)

Thêm vào đó, là cần lập quỹ dự phòng rủi ro. Đây là điều mình nghĩ tới đầu tiên khi cưới vợ. Trước đây, ở 1 mình thì chuyện tiền bạc sẽ dễ xoay xở hơn. Nhưng nếu lấy vợ rồi, tài chính cần có sự đảm bảo. Tụi mình chọn mua bảo hiểm, đây cũng là hình thức tiết kiệm khá an toàn. Không chỉ cho vợ, gia đình còn nghiên cứu cả những gói bảo hiểm cho con trong tương lai. Và mình nghĩ đây là khoản bắt buộc phải có trong kế hoạch tài chính.

Tụi mình cũng có kế hoạch đầu tư nữa. Vì khi về chung 1 nhà, nguồn tiền nhàn rỗi nhiều hơn nên nếu chỉ gửi ngân hàng thì quá phí. Hồi cuối năm ngoái, vợ chồng mình quyết định dành hơn phân nửa số tiền tiết kiệm để mua đất, và 1 phần tiền hùn vốn kinh doanh chuỗi nhà hàng cùng anh chị ruột. Đây là nguồn thu nhập thặng dư mỗi tháng mà tụi mình có thêm, ngoài tiền lương hàng tháng từ công việc hành chính. Mình nghĩ, bằng cách tạo ra nguồn thu phụ đó, giúp 2 vợ chồng vừa tận hưởng được nhiều hơn, mà vẫn có tiền tiết kiệm."

Còn đối với gia đình đã có con 3 tuổi, Ngọc Trang (1994, Quảng Ninh) hiện đang làm việc tại Hà Nội, cho biết: "Kinh nghiệm thực tế cho thấy, tiền đầu tư cho 1 đứa con rất tốn kém. Tổng thu nhập 2 vợ chồng mình khoảng gần 50 triệu đồng/tháng, nhưng chi tiêu cho con và tiền nhà 1 tháng cũng gần 25 triệu. Gia đình mình hiện đang ở thuê chung cư, mỗi tháng trả 13,5 triệu đồng tiền nhà. Con đang tuổi đi học, mỗi tháng tiêu hết 5 triệu cả tiền ăn. Số còn lại là chi tiêu sinh hoạt. Tính ra, cứ phải có tiền tích lũy mới yên tâm được. Lấy nhau rồi nhưng lúc nào cũng phải dự phòng trường hợp lỡ 1 trong 2 mất đi nguồn thu, hoặc đau ốm gì đó,...nghĩ thôi cũng thấy vất vả!"

Vợ chồng đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng

Không chỉ tìm cách gia tăng nguồn thu, vợ chồng Ngọc Vinh cũng cho biết: "Tụi mình sống khá giản dị, không mua sắm quá nhiều, cũng không sống cuộc sống sang chảnh gì. Ngay từ ban đầu, tài chính mình giao hết để vợ quản. Thời gian cho thấy cô ấy làm rất tốt chuyện này. Không chỉ gói ghém chi tiêu tốt, còn biết cân đo những khoản chi phí khác. Từ hồi cưới mình, cũng chẳng thấy mấy khi cô ấy sắm sửa quần áo, túi hiệu như trước nữa. Mục tiêu của cô ấy năm nay là tiết kiệm đủ tiền để mua xe. Thỉnh thoảng 2 vợ chồng cũng đi du lịch, đi để trải nghiệm và thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Quan trọng nhất là, lúc nào cần dùng tiền cũng có cái để chi, giảm đi đáng kể những cuộc cãi vã về tiền nong."

Cứ tranh thủ hưởng thụ hay phải tiết kiệm dè sẻn rồi mới dám có con? - Ảnh 2.

Cặp đôi đặt mục tiêu tiết kiệm 50% tổng thu nhập để phòng trừ rủi ro. (Ảnh minh họa Pinterest)

Cả trước và sau khi có con, gia đình Ngọc Trang đều đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập: "Khi chưa có con thì tiền để tiết kiệm là chính, lâu lâu cũng dành ra để mua sắm cho nhà cửa. Tụi mình có sẵn nhà ở Quảng Ninh rồi, nên chỉ thuê nhà khi làm việc ở thành phố khác, không có ý định mua nên bớt được áp lực tài chính khoản này. Chi tiêu không hết 50% thì cứ dồn tiền rồi lâu lâu đi du lịch 1 lần. Nhưng kể từ sau khi có con, số tiền được dành để đầu tư cho con 1 cuộc sống thật tốt.

Vợ chồng mình không phân biệt ai kiếm tiền nhiều hơn, mà chỉ gom hết về 1 mối và tự quản. Cũng có dành ra chút ít để chi tiêu riêng cho cá nhân. Các quyết định lớn nhỏ cũng đều hỏi ý kiến của cả 2 bên rồi mới làm, kể cả việc mua đôi giày, chiếc túi 1-2 triệu. Thêm 1 điều quan trọng nữa, là cả 2 đều không ngừng phát triển bản thân. Ví dụ như việc nếu chồng mình tháng kiếm được 20 triệu, mình cũng cố gắng kiếm được 15 triệu. Không phải để so cao thấp gì, mà chỉ là điều đó khiến tụi mình cảm thấy cả 2 đều đang cố gắng. Từ đó, việc cân bằng tài chính trong gia đình trở nên dễ dàng hơn."

Cùng chuyên mục

Đọc thêm