Cuộc sống "không ngừng học"
Triệu Mộ Hạc sinh năm 1912 tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ông đến Đài Loan (Trung Quốc) lập nghiệp từ năm 40 tuổi, sau đó ông công tác tại trường Đại học Sư phạm Cao Hùng, đến năm 66 tuổi thì nghỉ hưu. Trong khi những người bạn cùng trang lứa bắt đầu cho hành trình an hưởng tuổi già, trong lòng ông lại không thể nguôi ngoai, giống như nhà văn người Pháp Romain Rolland từng nói: "Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải công việc, mà là sự vô vị."
Tuổi tác đối với ông chỉ là một con số, bởi lẽ trước giờ ông chẳng quan tâm về tuổi già của mình. Cụ ông vốn có vẻ bình thường này, lại khiến cho biết bao cụ già cùng trang lứa phải kinh ngạc, thậm chí cả giới trẻ cũng không ngớt lời ngưỡng mộ vì sự nhiệt huyết, kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ.
Cụ ông đã hơn 100 tuổi, sống một mình trên tầng bốn của một chung cư cũ kĩ, vẫn kiên trì nếp sống độc lập tự chủ. Mỗi ngày tự mua thức ăn, tự mình nấu nướng, giặt ủi, thậm chí từ chối sự giúp đỡ của người khác, bởi vì “Một khi sống dựa vào người khác, nghĩa là mình đã già”.
Khi được khen ngợi vì là tấm gương “sống đến già, học đến già”, cụ ông Triệu Mộ Hạc liền phản bác: “Học đến già làm sao mà đủ”. Vì năm 105 tuổi, ông theo học Khoa tiếng Trung của Đại học Thanh Hoa Đài Loan (Trung Quốc) và đăng ký học lên Tiến sĩ.
Cụ ông Triệu Mộ Hạc trên giảng đường
Hình ảnh ông Triệu Mộ Hạc khi công tác tại trường Đại học Sư phạm Cao Hùng
Cụ ông 75 tuổi, không biết ngoại ngữ du lịch châu Âu một mình
Đến năm 75 tuổi, Triệu Mộ Hạc quyết định đi vòng quanh thế giới, mở mang kiến thức. Bạn bè biết tin đều không dám tin: “Ở cái tuổi gần đất xa trời, tiền tiết kiệm chẳng được mấy đồng, đến cả tiếng Anh cũng chỉ biết nói Yes, No. Vậy mà đòi đi nước ngoài du lịch? Ông không đùa đấy chứ!”
Triệu Mộ Hạc nghe xong liền vui vẻ cười đáp: “Nếu đi nước ngoài du lịch một chuyến mà phải chuẩn bị tươm tất. Hơn nữa phải biết ngoại ngữ, phải có tiền, như vậy chắc tôi đợi đến ba đời cũng chẳng đi nổi.”
Triệu Mộ Hạc vốn dĩ không phải bốc đồng, cũng chẳng phải cố chấp, mà là ông hiểu rằng chỉ cần chúng ta kiên quyết muốn làm một việc gì, nhất định sẽ có cách để thực hiện nó.
Ông quyết định tự mình thực hiện chuyến du lịch Châu Âu. Trong chuyến đi, ông cố gắng tiết kiệm hết sức có thể. Nếu phải đi lại bằng tàu hỏa, ông luôn cố gắng tìm vé tàu đêm. Như vậy, chỉ cần tốn một vé tàu, một công đôi chuyện có thể giải quyết được tiền trọ qua đêm của mình. Để tiết kiệm chi phí, ông thậm chí còn ở ghép tại ký túc xá thanh niên; Nằm ngủ trên ghế xe lửa hoặc trong các bốt điện thoại công cộng.
Không hiểu ngoại ngữ cũng chẳng sao! Chỉ cần tình cờ gặp được người Trung Quốc tại các quán ăn Trung Hoa, ông sẽ nhờ họ viết vài câu Tiếng Anh cơ bản vào những mảnh giấy nhỏ. Sau đó ông sẽ cầm những mảnh giấy đi khắp nơi để mua vé, đặt xe...
Trong khoảng thời gian du lịch tại Châu Âu, Triệu Mộ Hạc tá túc tại nhà của một học sinh. Mỗi ngày, ông đều dọn dẹp sạch sẽ căn phòng rồi mới ra ngoài du ngoạn, buổi tối thì vội vàng về nhà nấu cơm trước khi chủ nhà về đến.
Đây là cách đối nhân xử thế của Triệu Mộ Hạc, cũng chính là đạo lý sống của ông. Con người không thể nhàn rỗi, phải làm nhiều việc, đây chính là cách để duy trì sức khỏe và sự linh hoạt của đầu óc. Ông cũng chưa từng nghĩ làm thế nào để kéo dài tuổi thọ, chỉ muốn sống vui vẻ trọn từng phút giây. Vì khi sống vui vẻ, tức là ta sẽ sống khỏe thêm một chút! Đối với ông: “Hạnh phúc duy nhất của đời người, chính là không ngừng tiến về phía trước”
Dù lỡ có gặp khó khăn gì về giao tiếp hay lạc đường cũng chẳng vấn đề gì! “Chỉ cần đi theo sau những người mang ba lô, nhất định họ sẽ dẫn ta đến những nơi tốt đẹp”. Cứ thế, ông lại được chụp ảnh dưới Tháp Eiffel, hòa mình ngắm cảnh bên bờ sông Rhein, dừng chân ở nhà Shakespeare và ngắm hoàng hôn từ cầu London.
Khi trở về quê hương với tinh thần rạng rỡ thoải mái, bạn bè ông vô cùng khâm phục dũng khí của ông.
Ghi danh kỷ lục Guiness nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất
Năm 1998, Triệu Mộ Hạc nhận được tin cháu trai muốn thi đại học nhưng thành tích học tập quá kém, cậu bé gấp gáp lo âu đến mức khóc lóc inh ỏi và muốn bỏ cuộc. Để khích lệ cháu trai tiếp tục học tập, Triệu Mộ Hạc, cụ ông lúc đó đã 86 tuổi, quyết định ghi danh vào đại học cùng với cháu trai. Kỳ thi sắp tới, ông vùi đầu vào sách vở, chỉ tiếc là, vì chưa chuẩn bị kĩ cho cuộc thi, hai ông cháu đều bị rớt.
Triệu Mộ Hạc khuyên cháu trai không nên nản chí, năm nay không đậu thì năm sau thi tiếp! Bản thân ông cũng ngay lập tức bắt đầu chuẩn bị cho việc thi lại, học tập nghiêm túc và chăm chỉ hơn. Lần này, cả hai đều thuận lợi thi đậu Đại học.
Triệu Mộ Hạc bắt đầu trận chiến học tập quyết liệt. Mỗi ngày ông đều đạp xe đến trường và chưa bao giờ cúp học. Lần duy nhất đến trễ, là vì xe ông bị xe máy tông phải. “Khi đã quyết định làm việc gì, phải quyết tâm hết mình, nếu không thì việc sẽ khó thành”.
Vì vậy, nếu chỉ học tại lớp thì quả thật không đủ. Trong lúc những bạn trẻ cùng lớp mải mê chơi game hay hẹn hò yêu đương, ông lại lao vào cuộc chiến về đêm, đó là ôn lại bài vở. Quả thật, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Trong khi các bạn trẻ phải dành mất 6-7 năm để hoàn thành khóa học, cụ ông 91 tuổi – Triệu Mộ Hạc lại chỉ cần vỏn vẹn 4 năm để đạt tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.
Những ngày trở lại hành trình “đèn sách” của mình, cụ ông Triệu Mộ Hạc lại cảm thấy đầu óc linh hoạt hơn, xương khớp không còn đau nhức, hơn nữa toàn thân lại tràn đầy năng lượng. Vài năm sau, con trai của một người bạn muốn đăng ký dự thi tuyển sinh sau đại học, để khuyến khích thanh niên này học tập, cụ ông 96 tuổi lại hứa hẹn cùng cậu ấy thi đỗ Thạc sĩ.
Kì thi diễn ra trước mắt, nhưng cụ ông Triệu Mộ Hạc lại chẳng hề lo sợ! Ông đã chạy nước rút trong 3 tháng không rời khỏi nhà, và đã thuận lợi thi đậu vào Ngành Triết học của Trường Đại học Nam Hoa Đài Loan. Hai năm sau, cụ ông Triệu Mộ Hạc đã xuất sắc nhận được bằng Thạc Sĩ nhờ luận văn về nghệ thuật Thư pháp Trung Quốc “Điểu Trùng Thư”. Cụ ông 98 tuổi này không chỉ là nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất trong lịch sử của Trường Đại học Nam Hoa Đài Loan, mà còn ghi tên mình vào kỷ lục Guinness khi trở thành nghiên cứu sinh lớn tuổi nhất thế giới.
Trong hai năm học thạc sĩ, Triệu Mộ Hạc nhà ở Cao Hùng, mỗi tuần đều phải bắt xe đến Gia Nghĩa để học, nhưng không vì vậy mà ông trễ nãi việc học. Cụ ông chưa từng bỏ lỡ một tiết học nào.
Năm 2012, đồng thời xuất bản cuốn tự truyện “100 năm ngao du thế giới”, trở thành tác giả có tác phẩm bán chạy nhất.
Đối với cụ ông Triệu Mộ Hạc mà nói, ông chưa bao giờ để ý đến độ dài sinh mệnh, ông chỉ quan tâm việc khi còn sống có thể làm nên những chuyện phi thường.
Hy vọng tất cả chúng ta sẽ giống như cụ ông Triệu Mộ Hạc – dám phá vỡ mọi giới hạn về tuổi tác, để cố gắng và đạt được những thành tựu tuyệt vời trong những tháng năm cuộc đời tươi đẹp nhất. Không sống hoài sống phí, dám can đảm bứt phá, can đảm tiến lên, để tạo cho mình một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn!
Theo Chinadaily, Abolouwang