Doanh nghiệp

Covid-19 mở lối đi mới cho thương mại điện tử

Tháng 6 năm ngoái, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang được sàn Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại Đức. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có nông sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới qua sàn của doanh nghiệp trong nước. Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũng chủ động hợp tác với Amazon để đưa các nông sản của tỉnh lên sàn trực tuyến lớn nhất thế giới.

Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều tỉnh bị thu hẹp thị trường nông sản nhưng mặt khác tạo ra kênh tiêu thụ mới cho nông dân. Cam Cao Phong (Hòa Bình), Na Chi Lăng (Lạng Sơn)... đều được mở lối để lên các sàn thương mại điện tử trong nước.

thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á.

Thi trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Ảnh: Viễn Thông

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2021 có gần 8.000 hộ nông dân, 15.600 nông sản lên các sàn thương mại điện tử, tăng lần lượt 191% và 268% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn đã giải bài toán tìm kiếm kênh phân phối bền vững cho các các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông sản cũng sẽ trở thành xu hướng được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thống kê của Bộ Công Thương cho hay doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với quy mô này, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á.

Google, Temasek Bain & Co dự báo rằng, đến năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.

"Hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng trưởng hai con số trong đại dịch", đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết. Trong khi nhiều ngành kinh tế gánh chịu tác động do dịch bệnh, thương mại điện tử được coi là điểm sáng. Giai đoạn giãn cách xã hội, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử bởi tính tiện lợi và an toàn. Trong khi đó, ưu thế công nghệ và sự thích ứng nhanh, nắm bắt nhu cầu khách hàng thông qua giải pháp livestream, khuyến mại...của các nền tảng thương mại điện tử nhanh chóng đưa mua sắm trực tuyến từ "làm quen" trở thành xu hướng mới sau Covid-19.

Kết quả khảo sát 4 sàn thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, số lượng đơn hàng phát sinh trên các sàn giai đoạn tháng 6-9/2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% tới 50%.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưa chuộng giải pháp kinh doanh trên sàn. 70% doanh nghiệp liên quan đến thương mại điện tử tham gia khảo sát của VECOM lạc quan rằng thị trường sẽ tốt lên sau dịch, chuyển đổi số để thích ứng với bình thường mới.

Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy và nhanh chóng đón đầu, Hội thảo "Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới" diễn ra vào 14h ngày 22/3 trực tuyến trên VnExpress sẽ bàn về những vấn đề nóng trong giai đoạn thích ứng, nắm bắt cơ hội mới.

Đăng ký tham gia tại đây

Nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), hội thảo kết nối các doanh nghiệp Việt cùng chia sẻ về trải nghiệm trên sàn thương mại điện tử cùng kinh nghiệm đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Với sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện các sàn thương mại điện tử, nhóm diễn giả chuyên gia về giao dịch, thanh toán điện tử, hội thảo bàn về những vấn đề nổi cộm xoay quanh pháp luật, kiến thức kinh doanh, giải pháp nhằm gỡ nút thắt và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm