Theo thông tin Smiths Detection khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gửi đến Conteccons và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV, lý do đơn vị này chấm dứt hợp tác với Conteccons là do Conteccons đã sử dụng các tài liệu được Smiths Detection cung cấp làm hồ sơ dự thầu gói thầu số 5.10 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách, Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho gói thầu số 12 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mà không có sự chấp thuận hay cho phép của Smiths Detection.
Theo Smiths Detection, Coteccons chưa đưa ra được một lời giải thích phù hợp và không có đủ cơ sở để chỉ ra rằng Coteccons không liên quan đến Gói thầu số 12. Vì thế, Smiths Detection sẽ không có bất kỳ sự liên quan cũng như hỗ trợ cho các dự án của Coteccons tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 25/8/2023.
Conteccons vốn là đơn vị nằm trong 2 liên danh tham gia các hai gói thầu là 5.10 và gói thầu số 12. Còn Smiths Detection là đơn vị cung cấp công nghệ soi và phát hiện mối nguy cơ trong ngành hàng không cho các chủ đầu tư.
Cụ thể, g ói thầu số 12 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách T3 – Tân Sơn Nhất có thời gian đóng thầu lúc 9h ngày 9/6/2023. Conteccons tham gia trong liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông. Liên danh này gồm các nhà thầu: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons; Công ty cổ phần Xây dựng Conteccons; Công ty cổ phần Xây dựng CENTRAL; Công ty cổ phần HAWEE Cơ điện; Công ty cổ phần Dịch vụ & Kỹ thuật Cơ điện lạnh REE; Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình.
Gói thầu số 5.10 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Conteccons tham gia Liên danh Hoa Lư. Liên danh này gồm: Công ty cổ phần Coteccons; Công ty TNHH Đầu tư Unicons; Tổng công ty Thành An; Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng DELTA; Công ty Xây dựng Central; Công ty Xây dựng An Phong; Công ty Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Công ty Powerline Engineering Public Company.
Tuy nhiên, tại cả 2 gói thầu nói trên, đơn vị trúng thầu theo công bố của ACV, đều không có sự góp mặt của Conteccons. Cụ thể, Liên danh Hoa Lư (có mặt Conteccons) đã bị loại khỏi vòng đấu thầu gói 5.10 – nhà ga sân bay quốc tế Long Thành trị giá 35.00 tỉ đồng. Sau khi bị loại, liên danh này cũng làm đơn kiến nghị làm rõ nhưng cũng nhận lại câu trả lời từ ACV là đã tổ chức mời thầu, đấu thầu đúng quy định pháp luật.
Đối với gói thầu số 12T3 - bên thua thầu là Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông (gồm Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty cổ phần Xây dựng Central, Công ty cổ phần Hawee Cơ điện, Công ty cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh R.E.E; Công ty cổ phần 479 Hòa Bình).
Sau khi bị loại, liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông đã làm đơn kiến nghị. Thế nhưng, theo ACV, trên cơ sở các hồ sơ dự thầu đã nộp ngày 9/6/2023, bên mời thầu, tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu đã thực hiện đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật căn cứ đúng các tiêu chí, yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá được quy định, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ngay sau văn bản này của ACV, thì Smiths Detection - công ty hàng đầu toàn cầu về công nghệ soi và phát hiện mối nguy cơ trong ngành hàng không cũng gửi thông tin đến Coteccons về việc dừng hợp tác với lý do như đã nêu ở trên.
Chỉ trong thời gian ngắn, Conteccons bị rớt hai gói thầu giá trị lớn. Trong khi, hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương – người từng sáng lập ra Coteccons lại liên tiếp trúng thầu. Cụ thể, Ricons nằm trong liên danh trúng gói thầu 12T3 – Tân Sơn Nhất còn 3 công ty là Newtecons, Ricons, SOL E&C của ông Dương mới đây vào vòng trong gói thầu 5.10 – Sân bay quốc tế Long Thành trị giá 35.000 tỉ đồng, là gói thầu lớn nhất dự án.
Những lùm xum của Coteccons thời gian gần đây liên quan đến các gói thầu giá trị lớn khiến nhiều người lại nghĩ về một đế chế xây dựng hùng mạnh do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập.
Coteccons - “người cũ” của ông Nguyễn Bá Dương được biết đến với triết lý “tiền mặt” và “không làm thuê cho ngân hàng”. Thế nhưng, kể từ thời điểm ông Nguyễn Bá Dương rời đi vào năm 2020, ngần ấy thời gian, Coteccons liên tục gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều thời điểm bị Hòa Bình vượt lên ở cuộc đua dẫn đầu.
Trong khi “hệ sinh thái” Nguyễn Bá Dương gồm Newtecons, Ricons, SOL E&C, BM Windows, Boho Décor…lại liên tục khuấy đảo thị trường xây dựng. Trong đó, Ricons và Newtecons lần lượt lọt vào top 3 và 4 những nhà thầu lớn nhất, với doanh số năm 2022 đều trên 11.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau bộ đôi Hòa Bình - Coteccons.
Điều này khiến nhiều người nghĩ về tầm ảnh hưởng của doanh nhân sinh năm 1959 - người từng được ví là “ông trùm” “kì lân” của ngành xây dựng.
Thực tế, ngay từ trước khi ông Dương chính thức rời Coteccons, nhiều nhân sự cấp cao đã lần lượt rút khỏi công ty. Sau khi nhà sáng lập từ chức chủ tịch, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi. Báo cáo năm 2020 của Coteccons cho biết số lượng nhân sự của tập đoàn vào cuối năm 2020 chỉ còn 1.659 người, giảm gần 30% so với con số 2.272 người vào cuối năm 2019. “Chảy máu chất xám” chính là một trong những vấn đề nhiều lần được nhắc đến tại Coteccons.
Dù những năm qua, khi bộ máy nhân sự tạm ổn định, ban lãnh đạo mới của Coteccons bắt đầu tăng tốc để giành hợp đồng mới. Tuy nhiên, suốt nhiều năm gần như Coteccons không trúng thầu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Coteccons chỉ đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ 2020.
Thời điểm đó, mặc dù doanh thu sụt giảm sâu nhưng Coteccons vẫn còn đó nguồn thu hơn 115 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng. Đây chính là một trong những di sản mà ông Nguyễn Bá Dương để lại tại Coteccons với bảng cân đối kế toán thuộc nhóm lành mạnh nhất trong ngành, hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt và không có bất kỳ một đồng vay nợ ngân hàng nào.
Giai đoạn sau khi ông Nguyễn Bá Dương rời đi cũng là thời điểm khó khăn dịch bệnh kéo dài và tiếp đến là những biến động của thị trường bất động sản – xây dựng nói chung cũng khiến ông lớn Coteccons liên tục gặp khó về doanh thu và các gói thầu. Trong quý 2/2021, Coteccons mất ngôi số một về cả doanh thu và lợi nhuận trong nhóm các công ty xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán, vị trí nhà thầu này độc tôn suốt một thời gian dài. Theo ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, đó chỉ là hiện tượng tạm thời trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành, công ty đã đang và sẽ luôn cố gắng hết sức để có kết quả tốt nhất.
Thế nhưng, với việc mất những gói thầu trị giá lớn của các cảng hàng không quốc tế gần đây đang khiến ông lớn Coteccons khá đau đầu.