Trong bộ phim "Wall Street 2", Shia LaBeouf vào vai một "ngôi sao đang nổi" trong giới buôn cổ phiếu. Có một lần, anh ta đã hỏi kẻ thù truyền kiếp của mình rằng, "con số" ( số tiền ) chính xác mà anh ta cần là bao nhiêu, để anh ta có thể chấp nhận buông bỏ và sống một cuộc đời bình dị của mình. LaBeouf khẳng định, bất kỳ ai dấn thân vào ngành tài chính đều sẽ có cho mình một "con số" như vậy và đó thường là một con số rất chính xác. Người được hỏi, Kẻ thù của Shia LaBeouf, do Josh Brolin thủ vai, đã hỏi lại Shia rằng: "Vậy con số của anh là bao nhiêu?" và sau đó, anh ta chỉ mỉm cười và trả lời rằng: "Nhiều hơn nữa"! Vâng, câu trả lời đó cũng là lời nói thay cho tất cả những câu trả lời của mọi người.
Khi nhắc đến tiền, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, chúng ta cần phải có nhiều hơn, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, hiếm khi chúng ta có thể cân nhắc được chính xác số tiền mà chúng ta thực sự cần là bao nhiêu?
Hầu hết mọi người thường chỉ có thể đưa ra được những câu trả lời kiểu chung chung như: "Nếu tôi có thêm 100.000 USD, tôi có thể mua căn nhà mà tôi muốn". Chúng ta có xu hướng, gắn liền các mục tiêu tài chính đi kèm với những sự kiện chính xác, ví dụ như chi phí mà chúng ta cần cho một kỳ nghỉ dưỡng sắp tới rơi vào khoảng bao nhiêu tiền, hoặc chúng ta cần khoảng bao nhiêu vốn để thực hiện một danh mục đầu tư nào đó chẳng hạn.! Vậy chính xác là bạn muốn có bao nhiêu tiền trong tài khoản của mình? Số tiền mà bạn cần để có thể sống một cuộc sống với chất lượng tốt nhất, trong cả cuộc đời của bạn sẽ là bao nhiêu? Những câu hỏi này thật sự rất khó để có thể trả lời. Mỗi ngày qua đi, sẽ có rất nhiều thứ thay đổi trong cuộc sống và bạn sẽ chẳng thể nào biết được, ngày mai chuyện gì sẽ ập đến với bạn.
Thêm một vấn đề nữa đó là, hầu hết mọi người sẽ không thể kiểm soát tốt được tài chính của mình khi mà quy mô tài sản của họ đã gia tăng đến một mức độ nào đó. Việc sử dụng 10 triệu USD sẽ khác việc sử dụng 1 triệu USD như thế nào? Việc sử dụng 100 triệu USD sẽ khác việc sử dụng 10 triệu USD như thế nào? Trên giấy tờ, bạn chỉ đơn giản là đang thêm hoặc bớt đi một con số 0 mà thôi, tuy nhiên, việc nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của những người đang sở hữu nó mới là vấn đề quan trọng nhất.
Tiếp theo, bạn biết đấy, tâm trí của một con người sẽ luôn thay đổi theo thời gian. Ai rồi cũng sẽ muốn "Nhiều hơn nữa". Lòng tham của con người là vô đáy. Ngay cả khi bạn đã xác định được chính xác "con số" mà bạn cần trong cuộc sống rồi, thì cũng chẳng có điều gì sẽ đảm bảo được rằng, bạn sẽ không thay đổi "con số" đó bằng một "con số" khác lớn hơn cả. Bản thân tôi là một ví dụ điển hình. Khi đã xác định xong cho mình một mục tiêu nào đó, tôi thường sẽ có xu hướng suy nghĩ xem, mình có thể làm gì để đạt được kết quả gấp hơn 10 lần so với những gì mà tôi đã đặt ra. Ý tưởng này thậm chí đã lóe lên trong trí óc của tôi, ngay cả khi tôi chỉ mới vừa đạt được khoảng một nửa chặng đường của mục tiêu ban đầu.
Vậy nên, có một cách tiếp cận tốt hơn đối với câu hỏi: "Bao nhiêu?" đó là, hãy gắn nó với một thời điểm cụ thể mà bạn sẽ đạt được nó trong tương lai. Hãy tự hỏi mình câu hỏi rằng: "Vào một thời điểm nhất định, thì bao nhiêu đối với bạn sẽ là đủ?" Số tiền mà bạn kiếm được sẽ gắn liền với tuổi tác của bạn. Thông thường, chúng ta kiếm được nhiều hơn khi chúng ta già đi. Chúng ta cũng chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là khi đã lập gia đình và chi phí chăm sóc sức khỏe của chúng ta sẽ tăng cao nhất trong vòng 20 hoặc 30 năm tới. Vậy nên, hãy hỏi mình câu hỏi rằng: "Tới độ tuổi nào thì mình phải trở nên giàu có và giàu có ở mức độ cụ thể nào?"
Câu trả lời cho câu hỏi này, cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh sống của bạn. Nền tảng gia đình của bạn như thế nào? Có khá giả hay không, hay đang gặp phải nhiều khó khăn về mặt kinh tế? Bạn bè đồng trang lứa của bạn hiện tại đang có được mức thu nhập trung bình là bao nhiêu? Mức lương trung bình của ngành nghề mà bạn đang theo đuổi là bao nhiêu?...Sẽ có rất nhiều yếu tố để bạn cân nhắc.
Theo Thomas Stanley và William Danko, tác giả của cuốn "The Millionaire Next Door", sẽ có một phương pháp dễ dàng hơn, nhanh hơn và chính xác hơn để giúp cho bạn ước tính được giá trị ròng dự kiến của bạn tại một thời điểm nào đó. Họ gọi nó là "phương trình giàu có" và đây là công thức của nó:
Lấy thu nhập trước thuế hàng năm của bạn nhân với tuổi của bạn. Sau đó, chia nó cho 10.
Ví dụ, nếu một vị bác sĩ 40 tuổi kiếm được 100.000 USD trước thuế, thì tổng giá trị tài sản ròng mà cô ta cần phải có tại thời điểm này sẽ là: (100.000 x 40)/10 = 400.000 USD. Đây là "giá trị ròng dự kiến trung bình", dựa trên độ tuổi và thu nhập của vị bác sĩ đó.
Stanley và Danko cũng đưa ra một quy tắc "ngón tay cái" đơn giản khác để đánh giá xem, bạn có thuộc nhóm 25% những người có thu nhập cao nhất hay thấp nhất trong độ tuổi của bạn hay không? Chỉ cần nhân đôi (hoặc giảm một nửa) kết quả mà bạn vừa tính ra ở trên, bạn sẽ xác định được khoản thu nhập mà bạn đang có nằm ở mức độ nào so với những người đồng trang lứa của bạn. Nếu vị bác sĩ vừa rồi mà có tổng tài sản đạt mức 800.000 USD, thì chắc chắn cô ta sẽ có vị thế rất tốt trong xã hội.
Ưu điểm của phương pháp này là nó có thể được áp dụng cho phần lớn mọi tầng lớp người dân trong xã hội. Nó cũng thể hiện được sự biến động của tuổi tác, chi phí và thu nhập của mỗi người lao động theo thời gian. Ví dụ, 1 người 50 tuổi có thể hưởng lợi từ lãi kép trong vòng 20 hoặc 30 năm tiếp theo để gia tăng số tiền mà mình đang có. Trong khi đó những người dưới hoặc đang ở độ tuổi 30 thì khó có thể được hưởng lợi từ việc này. Vì vậy, khi bạn còn trẻ, việc bạn có ít tiền hơn là một điều rất bình thường.
Hãy tập tính toán mức độ giàu có dự kiến ở mức trung bình, trên trung bình và dưới mức trung bình và xác định xem, bạn cần phải tích lũy như thế nào để phù hợp với độ tuổi mà bạn đang có.
Hãy tổng hợp tất cả những khoản thu nhập trước thuế từ công việc của bạn, từ tiền thưởng nhân dịp Lễ tết, Giáng sinh..và cổ tức mà bạn kiếm được từ việc đầu tư vào cổ phiếu. Đừng cộng vào thêm bất kể nguồn thu nhập nào khác đến từ việc bạn được thừa kế, cho tặng…Sau đó nhân với số tuổi hiện tại của bạn, và lấy kết quả này chia cho 10. Bạn sẽ có được "con số" trung bình mà bạn cần. Tiếp tục, nhân đôi "con số" này để bạn có được mức độ giàu có mà bạn cần phải phấn đấu và cuối cùng, hãy chia đôi "con số" đó để bạn xác định được, số tiền tối thiểu mà bạn cần phải tích lũy.
Hãy lưu lại những con số này vào một tờ giấy hoặc một thiết bị nào đó, so sánh chúng trong đầu của bạn. Liệu bạn có thể cố gắng để đạt được những con số này hay không? Bạn có tin rằng bạn có thể đạt được những "con số" theo từng mức độ này được hay không? Tôi biết bạn có thể làm được việc này và khi đó, hành trình chinh phục những nấc thang trong cuộc đời của bạn sẽ bắt đầu.
Chúc các bạn thành công!