Hồi đầu tuần, một lượng mưa lớn tương đương lượng mưa của hai năm dồn lại đã trút xuống thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chỉ trong một ngày, gây lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng đến các hoạt động nơi đây. Trên mạng sau đó xuất hiện thông tin cho rằng trận mưa lũ này do mưa nhân tạo gây ra.
Công nghệ gieo mưa nhân tạo
Trước tiên cần phải hiểu công nghệ gieo mưa nhân tạo (cloud seeding) hoạt động như thế nào. Để "gieo mưa" cho một đám mây, ta sẽ cần phun lên đó những hạt muối siêu nhỏ như bạc iodide, calcium chloride hay potassium chloride.
UAE cũng như nhiều nước khác đã tiến hành hoạt động này từ lâu, sử dụng máy bay hoặc máy móc từ mặt đất bắn vào các luồng khí để đưa các chất này lên mây.
Các hạt này đều có cấu trúc tinh thể, tương tự như băng, tạo ra bề mặt để các giọt nước có thể bám vào. Nước ngưng tụ tạo thành tinh thể băng và cuối cùng rơi xuống dưới dạng tuyết hoặc mưa.
Điều này tương tự như quá trình mưa tự nhiên diễn ra trong các đám mây.
"Gieo mưa nhân tạo không thể tạo ra mây từ hư không. Nó giúp nước sẵn có trên trời ngưng tụ nhanh hơn và tạo mưa ở một số nơi nhất định.
Vì vậy, trước tiên bạn sẽ cần độ ẩm. Không có độ ẩm thì sẽ không có mây", bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Đại học Imperial College London (Anh), nhận định.
Điều gì gây mưa lũ bất thường ở Dubai?
Theo trang tin Business Insider, nhiều nhà khoa học khí quyển đã bác bỏ nhận định mưa nhân tạo là nguyên nhân gây lũ lụt ở Dubai.
Các chuyên gia nhận định những cơn mưa ở Dubai bắt nguồn từ một hệ thống giông hiếm gặp, vốn đã được dự báo sẽ gây mưa lớn.
"Vấn đề thực sự ở đây là con người đã không thể loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị cho các điều kiện thời tiết khắc nghiệt chưa từng có và sẽ còn tồi tệ hơn cho đến khi chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng 0", nhà khoa học khí quyển John Marsham nói.
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao dẫn đến những cơn mưa lớn hơn trên khắp hành tinh, ngay cả ở những vùng khô hạn hoặc thậm chí ngay giữa đợt hạn hán.
Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này xảy ra do một nguyên lý vật lý cơ bản: không khí ấm thì chứa nhiều nước hơn.
"Bất kỳ tác động nào nếu có của việc gieo mưa nhân tạo trong những tình huống này đều sẽ rất nhỏ", ông Marsham nhận định thêm.
Trên thực tế, UAE không phải khu vực sa mạc hay hạn hán duy nhất bị tàn phá bởi mưa lũ trong nhiều năm gần đây. Công viên quốc gia Thung lũng Chết ở bang California - được biết đến là một trong những khu vực nóng và khô hạn nhất Trái đất - đã chứng kiến những trận lụt lịch sử vào các năm 2022, 2023 và tháng 2 năm nay.
Bà Friederike Otto cảnh báo: "Nếu con người tiếp tục đốt dầu, khí đốt và than đá, khí hậu sẽ tiếp tục nóng lên, lượng mưa sẽ ngày càng lớn hơn và người dân sẽ tiếp tục thiệt mạng vì lũ lụt".
Theo Đài CNN, trận mưa nhấn chìm Dubai có liên quan đến hệ thống bão lớn hơn đi qua khu vực bán đảo Ả Rập và di chuyển qua vịnh Oman.
Mưa lớn đạt mức lịch sử trong vòng 70 năm đã gây lũ lụt làm tê liệt trung tâm tài chính Dubai. Các hoạt động tại sân bay bị gián đoạn, nhiều chuyến bay bị hoãn hủy trong ngày 17-4. Nhiều người đã mắc kẹt qua đêm tại sân bay.
Lũ lụt cũng đã khiến 18 người tại Oman thiệt mạng.