Nhiều cán bộ nghỉ việc, bị kỷ luật
Trước việc gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là vấn đề đáng quan ngại, cần được Chính phủ, Quốc hội nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp đồng bộ mới ngăn được tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra 5 nguyên nhân chính. Đầu tiên là tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thấp hơn so với thu nhập cùng trình độ làm việc ở khu vực tư. Ngoài ra, áp lực công việc ngày càng cao, nhất là viên chức ngành Y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19.
"Bên cạnh đó, môi trường làm việc một số nơi có thể nói chưa tạo được động lực, cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực, sở trường. Quản trị khu vực công chưa thay đổi lớn, cơ bản vẫn theo lề lối cũ, trong khi khu vực tư rất chú ý tiếp cận phương thức quản trị hiện đại, khích lệ người lao động làm việc", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thêm.
Từ những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Nội vụ nêu một số giải pháp để tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Trước hết, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho rằng cần cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh việc cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch bố trí cán bộ công chức, viên chức cũng cần được đổi mới để đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả và sớm xây dựng chính sách thu hút trọng dụng người tài.
"Một vấn đề nữa là phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ công chức, viên chức làm việc và xây dựng môi trường văn hóa làm việc công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có điều kiện để công chức, viên chức thể hiện tài năng", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thêm.
Biện pháp cuối cùng được nhắc tới là đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, quyền cũng như đổi mới lề lối làm việc, phương thức làm việc để phát huy năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về thực trạng nhiều cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật thời gian qua, gây phản ứng trái chiều trong dư luận, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, từ đầu năm đến nay, 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Cán bộ, đảng viên, công chức viên chức bị xử lý là 20.300, trong số này có cả xử lý hình sự. Tính trên tổng số cán bộ công chức, viên chức, tỷ lệ bị kỷ luật khoảng 1%.
Thời gian tới, các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần chỉnh đốn đảng, chống tham nhũng. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu ban hành quy định về đạo đức công vụ để siết chặt, đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với pháp luật nhà nước, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh.
Giảm biên chế còn cơ học, cào bằng
Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) và Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nói, việc tinh giản ít nhất 10% biên chế công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hiện nay chưa tính tới yếu tố vùng miền và tập trung lĩnh vực giáo dục, y tế, do tỷ lệ biên chế hai ngành này chiếm trên 90% tổng biên chế viên chức. Trong khi đó, các tỉnh miền núi biên giới với đặc thù địa lý, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
"Nhiều ý kiến đánh giá, việc cào bằng chỉ tiêu giảm 10% biên chế dẫn đến nhiều hạn chế và có ý kiến cho rằng cần thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giản biên chế viên chức giai đoạn 2022 - 2026 theo hướng chia theo từng vùng, miền, không cào bằng, đề xuất đối với các tỉnh miền núi biên giới tỷ lệ tinh giản 3 - 5%. Bộ trưởng có quan điểm thế nào về ý kiến này?", bà Hương chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo quyết định của Bộ Chính trị, các địa phương giảm 5% công chức và 10% viên chức cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Tuy nhiên, việc này căn cứ đặc thù vùng miền. Nhiều địa phương đang bị nhầm lẫn giảm biên chế viên chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
"Chúng ta không cắt giảm biên chế viên chức mà giảm viên chức hưởng lương ngân sách. Các địa phương miền núi có khó khăn hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để tháo gỡ. Trước mắt, các địa phương chấp hành theo quyết định của Bộ Chính trị", Bộ trưởng Nội vụ nói.
Về giải pháp khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, xây dựng nền công vụ tinh gọn, Bộ trưởng Phạm Thị ThanhTrà nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp luật, thay thế nghị định cũ.
Nói rõ thêm về tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm đổi mới chất lượng công vụ, tiết kiệm chi ngân sách, tạo nguồn lực cải cách tiền lương. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các biện pháp tinh giản biên chế theo đúng lộ trình. Đến năm 2021, đã giảm 27.530 biên chế công chức, đạt 10%; giảm 236.366 biên chế viên chức, đạt 11%.
"Tuy nhiên, tinh giản biên chế còn cơ học, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ", Phó Thủ tướng đánh giá và cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư. Chính phủ rất quan tâm bố trí đội ngũ giáo viên, y tế để đảm bảo nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên, có bệnh nhân phải có bác sĩ.
Thu hút nhân tài vào khu vực công
Đại biểu Trần Thu Hằng (Đắk Nông) đặt vấn đề về bất cập trong thực hiện Nghị định 140 về thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học giỏi vào khu vực công. "Giải pháp của trưởng ngành Nội vụ để khắc phục bất cập, thu hút được nhiều hơn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công là gì?", bà Hằng hỏi.
Đại biểu Trần Thu Hằng (Đắk Nông).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời, theo kết luận 86 của Bộ Chính trị, mục tiêu tới năm 2020 thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị định 140. Nhưng gần 4 năm qua, các cơ quan nhà nước mới thu hút được 258 người, tức đạt 1/4 mục tiêu, trong đó Trung ương 130 người, còn lại ở địa phương.
"Chính sách tương đối tốt, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên, cán bộ giỏi về làm việc ở khu vực công", bà Trà đánh giá.
Nguyên nhân là nhiều bộ ngành, địa phương chưa quyết tâm tuyển dụng cán bộ theo Nghị định 140. Bộ Nội vụ đã tuyển được 17 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và đều làm việc rất tốt, tiếp cận công việc nhanh. "Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, nổi trội. Nếu các cơ quan, đơn vị quan tâm tuyển dụng đối tượng này, sẽ là nguồn cán bộ tốt cho nền công vụ", bà khẳng định.
Đề cập giải pháp tới đây, bà Trà cho rằng cần đánh giá lại chính sách này. Khi xây dựng nghị định hướng dẫn đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, đưa ra chính sách tốt hơn, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Tất nhiên không thể so sánh với khu vực tư, nhưng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đưa ra cần đặc thù, ưu đãi và đủ mạnh, môi trường làm việc tốt để công chức tuyển dụng phát huy tài năng. Đây là điều chúng tôi trăn trở và sẽ thúc đẩy thời gian tới", Bộ trưởng Trà chia sẻ.
Gần 40.000 cán bộ nghỉ việc
Theo báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, tổng số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người (chiếm 1,94%).
Trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người ( 1.505 công chức, 5.597 viên chức). Ở địa phương 32.450 người ( 2.524 công chức, 29.926 viên chức).
Báo cáo cũng nêu, 653 tiến sĩ và 4.018 thạc sĩ, 19.637 cử nhân nghỉ việc, tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.