Trong những câu chuyện cổ tích, các nàng công chúa xinh đẹp thường sẽ tìm được tình yêu đích thực của đời mình và sống hạnh phúc tới cuối đời nhưng ngoài đời thực lại chứa đựng nhiều bi kịch chua chát. Trong đó, không thể không nhắc đến cuộc đời sầu thảm của Azza Bint Faisal, nàng công chúa bị lên án nhất của Iraq.
Người con bị ghẻ lạnh
Công chúa Azza sinh năm 1905 tại Istanbul, là con cả của Vua Faisal, khi đó cha bà là một Hoàng tử cao quý, sống trong Cung điện tráng lệ nguy nga. Nàng công chúa bé nhỏ khi ấy được sống trong vòng tay chăm bẵm của mẹ Sharifa Huzaima bint Nasser và bà nội đáng kính.
Nhà vua Faisal nổi tiếng là người luôn ngưỡng mộ với nền văn minh và sự phát triển của phương Tây. Do đó, ông đã cố gắng dạy dỗ các con mình theo phong cách sống châu Âu ngay từ khi họ còn nhỏ. Thậm chí, nhà vua còn nhờ bạn mình, nhà văn người Anh Gertrude, dạy cho các hoàng tử, công chúa nghi thức từ hoàng gia London và cách chơi piano điêu luyện.
Do đó, Công chúa Azza đã được hưởng trọn nền giáo dục văn hóa phương Tây. Mặc dù vậy, bà không phải là người con gái được nhà vua yêu thương nhất. Tất cả tình yêu thương của vua cha đều dành trọn cho Công chúa Rafi'a, em gái Azza. Không may mắn như những anh chị của mình có được một cơ thể lành lặn, Công chúa Rafi'a đã bị liệt toàn thân sau một sự cố đau lòng hồi bé. Một người bảo mẫu đã vô tình đánh rơi Rafi'a khi công chúa còn là một đứa trẻ sơ sinh.
Công chúa Azza được hưởng nền giáo dục tiên tiến
Bị vua cha ghẻ lạnh, gia đình có sự đối xử bất công, Công chúa Azza dần nảy sinh sự chán ghét và oán trách với những người thân. Vua Faisal qua đời vào năm 1933 tại một bệnh viện ở Thụy Sĩ sau khi trải qua cơn bạo bệnh. Sau đó, anh trai Azza thừa kế ngai vị, trở thành Vua Ghazi I của đất nước Iraq. Công chúa Azza đã được anh trai đưa đi nghỉ hè ở Hy Lạp và đây cũng chính là cơ duyên khởi nguồn cho bi kịch cuộc đời nàng công chúa này.
Kế hoạch bỏ trốn hoàn hảo
Trong kỳ nghỉ ở Hy Lạp, nàng công chúa đã vô tình gặp gỡ với một nam nhân viên bồi bàn tên là Anastas. Công chúa Azza đã đem lòng yêu chàng thanh niên này ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai nhanh chóng nảy sinh tình cảm và bí mật liên lạc với nhau qua những bức thư tay. Azza không thể công khai mối quan hệ này vì bà hiểu rõ hoàng gia Iraq sẽ không bao giờ chấp nhận một phò mã có xuất thân thấp hèn như vậy.
Năm tháng dần trôi, Công chúa Azza quyết định thực hiện một kế hoạch táo bạo để được sống bên người mình yêu. Vào năm 1936, Công chúa Azza đã giả vờ bị ốm, liên tục ho ra máu (thực chất là một loạt thuốc bổ màu đỏ). Trước tình hình này, anh trai công chúa quyết định đưa Azza đến đảo Rhodes để nghỉ dưỡng, bồi bổ sức khỏe. Đi với công chúa là em gái của bà cùng 3 người hầu gái để phục vụ và chăm sóc.
Tuy nhiên khi đến Rhodes, nàng công chúa này đã tìm cách bỏ trốn, chạy đến thành phố Athens, nơi người yêu bà đang đợi chờ. Cặp đôi đã tổ chức hôn lễ tại khách sạn Atlantic sau khi Azza từ bỏ đạo Hồi và chuyển sang theo đạo của chồng. Bà đổi tên thành "Anastasia" theo tên chồng là "Anastas".
Gia đình Công chúa Azza
Trước khi chạy trốn, Công chúa Azza đã để lại một lá thư viết bằng tiếng Anh với nội dung nói rằng bà quyết định tách khỏi gia đình hoàng gia để kết hôn với người mình yêu. Bởi lẽ, Azza tin rằng mẹ và anh trai bà sẽ không chấp nhận để công chúa kết hôn với người đàn ông không theo đạo Hồi.
Cung điện hoàng gia ở Baghdad đã chấn động khi nghe tin công chúa bỏ trốn. Một sắc lệnh hoàng gia đã được ban hành thu hồi tất cả các tước vị và đặc quyền mà nhà vua đã trao cho Công chúa Azza. Kể từ đây, nàng công chúa là một người dân thường không hơn không kém. Sau khi kết hôn, Azza tiếp tục sống ở Hy Lạp sau khi nhận được quốc tịch Ý từ quê hương chồng.
Tuy nhiên người ta thường nói, "hôn nhân là mồ chôn của tình yêu", cuộc sống gia đình của Azza không đẹp như những gì mà bà đã hy vọng và chờ đợi.
Tình yêu trao nhầm chỗ
Trong suốt cuộc hôn nhân của mình, Azza phải sống trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn sau khi bà bị chồng giữ lấy toàn bộ tiền bạc và đồ trang sức của mình. Khi rơi vào cảnh túng thiếu, người chồng đã bán hết trang sức của bà với giá bèo bọt để duy trì cuộc sống.
Người chồng của Azza là một người đàn ông ít học, không có chí cầu tiến và cũng không có khả năng kiếm được một công việc có thu nhập cao để nuôi sống gia đình. Cặp đôi sau đó đã đến đảo Cyprus để tìm việc làm nhưng không thành công. Vào năm 1939, chồng Azza quyết định đến London, Anh để đi tìm con đường mới, từ bỏ người vợ của mình.
Hôn nhân tan vỡ, bị gia đình từ mặt, Azza đành ngậm ngùi quay trở lại Rome, sống một mình trong cảnh nghèo khó. Về sau, bà đã được chính phủ Ý trợ cấp hàng tháng trong những năm 1940 - 1944. Khi chiến tranh nổ ra, tiền trợ cấp của bà không còn, Azza phải sống như một kẻ ăn xin trên đường phố, sống nhờ vào lòng thương hại của những nhà từ thiện, người dân sinh sống ở Rome.
Trong khi đó ở Iraq, anh trai Azza đã qua đời vào năm 1939, truyền ngôi cho con trai mình là Vua Faisal II. Khi biết được rằng nhà vua có kế hoạch đến London để gặp Thủ tướng Anh, Azza biết đây là cơ hội cuối cùng của mình. Bà đã đến London và gặp Vua Faisal II trong bộ quần áo rách nát. Cựu công chúa bật khóc nức nở và kể về những bất hạnh mà bà đã phải trải qua.
Công chúa Azza đã có cuộc sống bất hạnh vì sự lựa chọn sai lầm của mình
Azza cầu xin nhà vua hãy tha thứ cho mình và cho phép bà trở về quê hương để sinh sống. Thấy tình cảnh người thân ruột thịt của mình quá bi đát, Vua Faisal II quyết định đưa Fazza đến Jerusalem sinh sống và cấp dưỡng cho bà một khoản tiền hàng tháng với điều kiện cựu công chúa không được nói cho biết kỳ ai về thân phận và tên thật của mình trước đây.
Về sau, Azza mắc căn bệnh ung thư quái ác, nhà vua đã đưa bà đến London để điều trị. Tuy nhiên bà đã qua đời vào năm 1960 tại một bệnh viện ở trung tâm của nước Anh, kết thúc quãng thời gian gập ghềnh, trôi nổi. Thi hài của bà được đưa về Jordan để an táng trong khuôn viên hoàng gia. Tuy nhiên nhiều thành viên trong gia đình vẫn không thể nào tha thứ cho những sai lầm của Azza.
Trong một cuốn hồi ký xuất bản tại London vào năm 2002, Công chúa Badiya nói rằng: "Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi nhắc về trường hợp của Azza. Những gì bà ấy làm là một nỗi ô nhục, không chỉ chống lại hoàng gia mà còn phản bội lại giới quý tộc".
Nhiều ý kiến cho rằng sai lầm lớn nhất của Công chúa Azza chính là việc trái tim của bà đã trao nhầm chỗ với người đàn ông không xứng đáng. Vì tình yêu, bà sẵn sàng từ bỏ gia đình, người thân và địa vị để rồi cuối cùng đến khi chết đi bà vẫn mang tiếng là kẻ có tội.
Nguồn: Newofnews