Một người phụ nữ tại Trung Quốc đã chia sẻ lại câu chuyện thi vào cấp 3 của cháu trai mình và nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Theo đó, cháu trai của chị vào những năm cấp 2 từng nghiện chơi game, có biểu hiện chán học. Nhưng nhờ cách dạy dỗ đúng đắn của người mẹ mà cậu bé đã thay đổi và thi đỗ vào trường cấp 3 trọng điểm.
Đứa trẻ học giỏi bỗng... biến thành người khác
Câu chuyện như sau:
Năm 13 tuổi cháu tôi mắc chứng "chán học" trầm trọng và có lần bị đình chỉ học ở nhà. Bố cháu đi công tác quanh năm còn mẹ cháu nội trợ toàn thời gian, ở nhà kèm cặp con. Vì chị dâu của tôi không có bằng cấp, hiểu được những thiệt thòi của việc học tập không đến nơi đến chốn nên ngay từ khi cháu trai còn nhỏ, chị đã rất chú ý đến việc học.
Từ bậc tiểu học, ngày nào chị cũng cùng con làm bài tập, không cho phép con lười biếng hay làm bài lấy lệ. Các loại sách học thêm chiếm đến 3 kệ tủ. Chị cũng hướng dẫn con đọc sách trước khi đi ngủ, cho con học thêm với giáo viên người nước ngoài,... Nhờ vậy, cháu tôi vào năm cấp 1 rất xuất sắc, điểm số luôn lọt vào top 5 của lớp.
Nhưng không ngờ đến năm lớp 2, cháu lại thay đổi, như trở thành con người khác. Cháu bắt đầu phàn nàn việc học quá nhàm chán, quá nhiều bài tập, không thích giáo viên,... Cô giáo cũng cho biết, trên lớp cháu không nghe giảng, hay làm việc linh tinh, điểm số ngày một kém.
Sau khi chị dâu biết chuyện liền lập tức trách mắng cháu: "Làm gì có ai không phải làm việc chăm chỉ? Bố đi làm quanh năm suốt tháng có vất vả không? Bây giờ con vẫn đang sung sướng, chẳng phải làm gì ngoài việc học. Mẹ đã tốn bao nhiêu công sức cho con? Nếu bây giờ con không học hành chăm chỉ, thi trượt cấp 3 thì định làm gì?",...
Lời mắng mỏ của chị dâu không có tác dụng với cháu. Thằng bé bắt đầu ngày càng nổi loạn hơn. Bài tập về nhà trì hoãn không chịu làm, hoặc có lúc mặc kệ không làm. Cả ngày cháu chỉ xem tivi, nghịch điện thoại, chơi game, thậm chí còn chơi trong lớp. Quan trọng nhất là cháu cãi lại mỗi khi mẹ dạy dỗ, dễ mất bình tĩnh và hay nhốt mình trong phòng.
Cho đến học kỳ 1 của năm thứ hai THCS, cháu nghỉ học…
Ảnh minh họa.
"Bắt mạch" tâm lý của con, cha mẹ thay đổi
Để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau tình trạng "chán học" của cháu, cả nhà đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ. Tất nhiên không thể để một đứa trẻ mới 13 tuổi nghỉ học được. Chúng tôi đã cùng tìm hiểu nhiều thông tin, tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn tâm lý, từ đó biết được nhiều điều về chứng "chán học" của trẻ.
Trước hết, sự chán học của trẻ "có thể theo dõi được". Tùy theo biểu hiện mệt mỏi của trẻ, nó có thể được chia thành nhẹ, trung bình và nặng.
- Chán học nhẹ: Biểu hiện chủ yếu là chán học, không chịu học, không có khả năng tập trung trong lớp, ngại làm bài hoặc làm cho xong, phần lớn là hành vi mệt mỏi, chống đối về tinh thần.
- Chán học ở mức trung bình: Bắt đầu biến mâu thuẫn tư tưởng thành hành động, chẳng hạn như không nghe giảng, đi muộn, vắng mặt, không làm bài tập và thậm chí là xuất hiện các vấn đề về giao tiếp.
- Chán học nặng: Những biểu hiện tâm lý nghiêm trọng hơn như sợ học, tâm lý rất chán nản, không muốn đi học, không dám đối mặt với thầy cô và bạn bè, bắt đầu trốn học, cuối cùng dẫn đến việc bị đình chỉ học hoặc chủ động bỏ học.
Để cải thiện tình trạng chán học của trẻ, điều đầu tiên cần thay đổi là chính cha mẹ!
Nguyên nhân cơ bản nhất khiến trẻ mất hứng thú học tập là do thiếu động lực bên trong. Do đó, hễ có cơ hội được thư giãn, xả hơi là trẻ sẽ sa đà vào, rồi dần dần mất hẳn động lực và ý chí học tập. Nếu cha mẹ không có biện pháp can thiệp kịp thời thì kết quả, trẻ sẽ chán học nặng.
Khi trẻ còn nhỏ (độ tuổi tiểu học), việc học tương đối đơn giản và với sự giám sát của cha mẹ, trẻ thường học rất tốt. Nhưng sau khi vào trung học cơ sở, áp lực học tập, độ khó của bài vở tăng lên khiến áp lực của các em cũng tăng hơn.
Ngoài ra, ở tuổi vị thành niên, khả năng tự nhận thức của trẻ cũng tăng. Trẻ không còn muốn bị cha mẹ kiểm soát, ép buộc học nên dần có hành động chống đối. Việc chán học sẽ diễn ra một cách tự nhiên.
Sau khi biết căn nguyên khiến con chán học, gia đình tôi đã trao đổi rất nhiều. Cuối cùng, chị dâu tôi đã dùng mẹo, "lừa" thành công cháu thi đỗ vào trường trọng điểm!
Đầu tiên, chị nói dối con rằng "Mẹ sẽ không bắt con học nữa đâu".
Phải nói rằng, đám trẻ bây giờ cũng quá bận rộn, áp lực. Nào là thi cử, xếp hạng học tập,... - áp lực quá lớn khiến trẻ lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, không thể thư giãn.
Lúc này, chúng tôi muốn đứa trẻ cảm thấy rằng "nhà là nơi để thư giãn, và cha mẹ luôn là nơi để con tựa vào". Chị dâu tôi nói: "Mẹ sẽ không ép con học nữa, cũng không cằn nhằn, không nói những thứ lớn lao để ép buộc, hay so sánh với con".
Thực ra, không phải chị dâu tôi không ép cháu học mà là thông qua những lời động viên, phản hồi tích cực để cháu có thể thư giãn, đồng thời ngăn cháu tìm những cách tiêu cực để xả stress (như sa đà và tivi, điện thoại, game),...
Tiếp theo, chị dâu tôi nói với cháu: "Điều mẹ quan tâm nhất không phải là điểm số mà là hạnh phúc của con".
Ở độ tuổi mới lớn, nếu trẻ suốt ngày phải nghe cha mẹ nói chuyện về điểm số, xếp hạng, thi cử, sự vất vả của cha mẹ,... thì sẽ nảy sinh cảm giác cực kỳ chán ghét. Bởi vì trẻ cảm thấy cái mà cha mẹ quan tâm chỉ là điểm số, mặc kệ mình có chăm chỉ, hay áp lực ra sao.
Thật ra chị dâu tôi không phải là không quan tâm đến điểm số của con mà là đang từng bước mở ra lớp phòng bị tâm lý của con theo cách mà con thích. Chị bắt đầu hỏi con: "Hôm nay đi học có vui không?", "Con đã hẹn các bạn đi chơi chưa?", "Con thường thích chơi gì, cho bố mẹ đi cùng được không?",...
Khi chị không còn theo sát thúc giục con học bài và phản ứng gay gắt quá mức quá mức khi con nghịch điện thoại, cộng thêm sự yêu thương, quan tâm của cả nhà, tình trạng chán học của cháu tôi cuối cùng cũng được cải thiện. Không khí gia đình vui vẻ, thoải mái hơn nhiều. Và kết quả, hai năm sau, cháu đã thi đỗ vào một trường cấp 3 trọng điểm.
Bây giờ tôi vẫn còn nhớ những gì cháu đã nói với mẹ khi thi đỗ: "Điều con sợ không phải là con không học hay thi trượt. Điều con sợ là bố mẹ nghĩ rằng con không thể học được, rằng con không giỏi bằng người này người kia và giáo viên đổ lỗi cho con....".