Các đại lý bán lẻ card đồ họa ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới đều xác nhận giá VGA đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, có model giảm hàng chục triệu đồng nhưng vẫn ế khách. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nguồn cung đang dồi dào trở lại trong khi nhu cầu của thị trường không còn lớn.
Giá card đồ họa giảm mạnh được nhận định có thể là tín hiệu cho thấy cơn khát chip toàn cầu sẽ kết thúc sớm hơn dự đoán. "Cuộc khủng hoảng chip làm tê liệt các ngành sản xuất từ smartphone đến ôtô. Nhưng mọi thứ đang thay đổi, các nhà sản xuất chip đang phải cân đối lại kế hoạch kinh doanh của mình", Reuters bình luận.
Báo cáo của Intel, Qualcomm và một số đơn vị khác cũng cho thấy họ sẽ phải xem xét lại nhu cầu chi tiêu của người dùng giảm sút như thế nào do lạm phát và những ảnh hưởng từ chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine.
Nhà phân tích Kinngai Chan của Summit Insights Group kỳ vọng khi thị trường card đồ họa dồi dào, nguồn cung của một số chip khác như bộ xử lý và chip nhớ sẽ bớt khan hiếm. Việc các hãng chip ồ ạt mở rộng quy mô sản xuất cũng có thể khiến thị trường phải đối mặt tình trạng thừa chip cuối năm nay.
Theo Sina, giá card đồ họa ở Trung Quốc đang lao dốc như "tuyết lở" nhưng người dùng vẫn không mấy mặn mà. Nhiều người tiếp tục chờ những đợt giảm giá tiếp theo. Ngoài ra, tin đồn liên quan đến việc hợp nhất mạng Ethereum cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Thợ đào tiền số - một trong những nhân tố gây nên cơn khát card trên toàn cầu - đang ngồi yên theo dõi thị trường.
Reuters dẫn lời nhà phân tích cấp cao Tristan Gerra của Baird rằng nếu các công ty điện tử mua được chip giá rẻ trong tương lai, họ sẽ giảm lượng hàng tồn kho và hạn chế tích trữ, giúp cung - cầu trên thị trường ổn định. Tuy nhiên, cũng có một số người hoài nghi về thời gian kết thúc của cuộc khủng hoảng chip. Bank of America cho biết sức mua giảm của nhóm người dùng khai thác tiền điện tử sẽ sớm được cân bằng bởi những nhu cầu mới và chip sẽ tiếp tục là vấn đề nhạy cảm của chuỗi cung ứng toàn cầu.