Đứng tên công ty từ năm 19 tuổi, mọi việc đều "do bố điều phối"
Ngày 16/8, TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo trong vụ án sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai xảy ra tại Bình Dương.
Về phía bị cáo Nguyễn Thục Anh (40 tuổi), cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển, cơ quan truy tố xác định Thục Anh đã bàn bạc với cha mình và các bị cáo khác để đưa công ty vào liên danh thực hiện dự án trên khu đất 145ha.
Mặc dù biết công ty không có năng lực nhưng vì mối quan hệ gia đình và thấy sẽ được hưởng lợi từ dự án nên Thục Anh đã đồng ý tham gia.
Bị cáo Nguyễn Thục Anh tại phiên xét xử.
Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo con gái chuyển nhượng hơn 16% vốn điều lệ tại Công ty Phát triển cho Tổng Công ty 3/2.
Việc này đã giúp sức cho bị cáo Minh chiếm đoạt hơn 643 tỷ đồng của Tổng Công ty 3/2. Trong đó, Minh nhận 251 tỷ đồng, với lý do hoàn thành tạm ứng cho Tổng Công ty 3/2; Nguyễn Thục Anh hưởng lợi hơn 200 tỷ đồng; bị cáo Trần Đình Như Ý hưởng lợi hơn 192 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thục Anh trình bày, bị cáo nắm 51% vốn điều lệ của công ty, thế nhưng bản thân chỉ đứng tên thay cho bố, còn việc mua bán cổ phần thì do ông Minh quyết định.
"Ngay từ những ngày đầu thành lập, bị cáo không tham gia điều hành công ty. Mọi việc sắp xếp nhân sự, nguồn tiền ra vào, chi tiêu tại công ty thế nào… đều do bố điều phối", bị cáo Thục Anh nói.
Tiếp đó, HĐXX hỏi: "Bị cáo có được hưởng lợi gì sau các giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần không?", bị cáo Thục Anh trả lời: "Bị cáo không được hưởng lợi một đồng nào, trên các giao dịch, chứng từ cũng không thể hiện mình được hưởng lợi".
Nói tiếp, bị cáo Thục Anh trình bày đã được bố cho đứng tên Công ty Phát triển từ năm 19 tuổi nên không hiểu hết mọi vấn đề, chỉ nghĩ mọi việc bình thường. Chỉ đến khi công an vào điều tra, bị cáo mới nhận thức được việc hành vi của mình là sai.
"Nếu biết bản chất của các hợp đồng là sai phạm như vậy thì không bao giờ bị cáo ký. Bị cáo mong được xem xét về vai trò của mình", bị cáo Thục Anh nói.
Khai nhận tại toà, bị cáo Nguyễn Đại Dương (chồng của bị cáo Thục Anh) trình bày, bị cáo chỉ đóng vai trò giới thiệu để dẫn dắt các nhà đầu tư đến liên kết với Tổng Công ty Bình Dược thực hiện các dự án trên các lô.
"Bị cáo không tham gia vào góp vốn hay thực hiện các hợp đồng chuyển nhượng đất vàng", bị cáo Dương nói.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khai gì?
Theo cáo buộc, ông Trần Thanh Liêm giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (giai đoạn 2015 - 2020).
Tại cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ ngày 17/4/2017, mặc dù biết Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy và trái với quy định pháp luật. Thế nhưng, ông Liêm lại không yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng.
Tiếp đó, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đồng ý cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh (Công ty Tân Phú) cho Công ty Âu Lạc tại Dự án khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha.
Hành vi này của ông Liêm đã tạo điều kiện cho ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Liêm còn bị cáo buộc khi biết khu đất 145ha đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt phương án sử dụng đất, tiếp tục tính vào giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Thế nhưng, khi chủ trì cuộc, ông Liêm lại thống nhất nội dung trình tại cuộc họp và ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thống nhất với kết quả phân loại, đưa khu đất 145 ha vào mục tài sản "chờ thanh lý" mà không đưa vào tài sản để xác định giá trị của DN, gây thất thoát cho nhà nước số tiền trên 4.000 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khai nhận, thời điểm ký quyết định về phương án cổ phần hóa Tổng công ty, bị cáo không nghĩ là sai mà chỉ ký căn cứ theo ý kiến đề xuất của đơn vị, dựa trên nghị quyết của Tỉnh ủy, tờ trình của văn phòng.
“Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức được việc không đưa 145ha vào để xác định giá trị DN là không đúng, tuy nhiên khi kí thì không biết", ông Liêm nói.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trình bày, khi vào cuộc họp không được nhận tài liệu nào mà chỉ nghe phó chánh văn phòng trình bày tóm tắt nội dung Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc.
"Thời điểm năm 2019, khi báo chí nêu về các sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất ở Bình Dương, lúc này bị cáo mới biết việc Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú", ông Liêm khai nhân.