Doanh nghiệp

Con cái nhiều doanh nhân Việt không chịu nối nghiệp cha mẹ

Doanh nghiệp Việt loay hoay tìm người kế nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang đối mặt với tình trạng “con cái không chịu nối nghiệp”, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của các doanh nghiệp gia đình - Ảnh: T.A.

Tại talk show "Doanh nhân - Bạn chuẩn bị gì cho đội ngũ kế thừa?" do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức ngày 29-11, nhiều doanh nhân bày tỏ lo lắng về việc chuyển giao thế hệ kế thừa trong các doanh nghiệp hiện nay.

Thế hệ F2 "quay lưng" với doanh nghiệp gia đình

Ông Hàng Vay Chi - chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 11 - cho biết thế hệ con cái của họ (thường gọi là F2) hầu hết được đi học ở Mỹ, châu Âu, Singapore và việc khởi nghiệp được khuyến khích nên nhiều bạn trẻ F2 không còn mặn mà với việc kế tục công ty gia đình.

Bản thân ông Chi cũng gặp phải tình huống này khi con gái đầu lòng từ chối kế nghiệp dù đã được đào tạo bài bản về y khoa tại Mỹ bởi lý do "không hợp môi trường".

Theo ông Chi, một trong các lý do khiến các F2 sợ nối nghiệp cha mẹ vì bên cạnh thừa hưởng sự nghiệp để lại còn phải thay cha mẹ gánh vác các khoản nợ, các trách nhiệm với đối tác, khách hàng... khiến nhiều bạn trẻ không hào hứng.

Trong khi đó, luật sư Phạm Ngọc Hưng - phó chủ tịch Tracent, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - kể một số người bạn của ông là chủ doanh nghiệp bao bì và nhựa cũng không biết giao quyền điều hành công ty cho ai vì con cái không chịu tiếp quản.

"Nhiều bạn trẻ đi học ở Mỹ về thấy các khu công nghiệp khói bụi, ô nhiễm nên sợ, không chịu về làm ở công ty. Con cái không muốn thì cha mẹ không thể ép, nhưng không giao doanh nghiệp cho con thì biết giao cho ai vì không tin tưởng được người ngoài", ông Hưng nói.

Trao quyền cho người tài để doanh nghiệp phát triển bền vững

Bà Phan Thị Tuyết Mai - tổng giám đốc Công ty TNHH TMTM - nói có một sự thật hiện nay là "con cái đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy", việc bắt ép con cái theo nghề của cha mẹ là không nên bởi vừa hại chính con cái và hại luôn công ty.

Do đó, bà Mai cho rằng các doanh nghiệp không nhất thiết phải trao quyền điều hành công ty cho con cái mà có thể trao cho người ngoài, miễn là họ tâm huyết và có trách nhiệm với doanh nghiệp.

"Đội ngũ kế thừa không nhất thiết phải là người trong gia đình, bởi hiện nay nhiều bạn trẻ không muốn quay về công ty của cha mẹ. Để chuẩn bị cho việc xây dựng đội ngũ kế thừa, cách tốt nhất là phải chuyên nghiệp từ các phòng ban, xây dựng quy trình bài bản để nếu một người nghỉ thì vẫn có nhân sự thay thế", bà Mai nói.

TS Lư Nguyễn Xuân Vũ - chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên - cho rằng ở Việt Nam không có khái niệm doanh nghiệp trên 100 năm tuổi, nhưng trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, có cả doanh nghiệp ngàn năm tuổi. Điểm nổi bật của các doanh nghiệp này là không nhất định phải trao quyền kế tục sự nghiệp cho người con nếu "nó bất tài vô dụng".

Theo ông Vũ, ở Nhật Bản có 33.000 công ty có tuổi đời từ 100 năm trở lên, chiếm 40% số công ty nhóm này trên thế giới. Hơn 3.000 doanh nghiệp đã tồn tại ít nhất 200 năm. Khoảng 140 đã hoạt động hơn 500 năm và ít nhất 19 doanh nghiệp đã qua 1.000 năm.

"Những doanh nghiệp trên ngàn năm tuổi đều là yếu tố gia đình. Tuy nhiên, họ sẵn sàng chọn người đồng hành với mình để giao luôn công ty. Vì thế, Việt Nam cũng cần suy nghĩ để làm sao có được các doanh nghiệp ngàn năm tuổi như Nhật Bản", ông Vũ nói.

Còn luật sư Phạm Ngọc Hưng lại cho rằng nên ổn định hội đồng quản trị, cần trao quyền điều hành cho người có năng lực, có thể thuê nhân sự bên ngoài. 

"Chỉ cần đưa con làm chủ tịch hội đồng quản trị, còn các chức danh khác đều có thể thuê", ông Hưng nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm