Chiều 29-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Đáng chú ý trong luật mới sẽ tiếp tục cho thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước từ ngày 1-7-2025.
Theo quy định trong luật, hợp đồng BT là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chuyển giao công trình dự án BT cho cơ quan có thẩm quyền.
Hợp đồng BT được thực hiện theo các hình thức gồm thanh toán bằng quỹ đất được thu hồi, quỹ đất do cơ quan, tổ chức quản lý để thực hiện dự án đối ứng; thanh toán bằng ngân sách nhà nước hoặc không yêu cầu thanh toán.
Chính phủ quy định chi tiết việc này.
Trong quy định về thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất có nêu việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện công trình BT và dự án đối ứng là trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Giá đất dự kiến của quỹ đất thanh toán dự án BT được tính căn cứ bảng giá đất tại thời điểm lập dự án, lập hồ sơ mời thầu. Việc thanh toán được thực hiện theo cơ chế bù trừ chênh lệch giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán.
Về thanh toán bằng ngân sách nhà nước sẽ lấy từ nguồn vốn đầu tư công, hoặc từ nguồn ngân sách nhà nước thu được sau khi đấu giá quỹ đất, tài sản công và được ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước.
Giá trị công trình dự án BT gồm tổng mức đầu tư xây dựng công trình được xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng và các chi phí khác sau giai đoạn xây dựng, trong đó có lãi vay sau giai đoạn xây dựng, lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hiện nay hợp đồng BT đã được thí điểm tại một số địa phương với quy định khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án và phương thức thanh toán, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng.
Do đó, hiện nay chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT tại dự thảo luật.
Để tạo cơ sở pháp lý triển khai cơ chế hợp đồng BT, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự luật chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư đối với 3 hình thức.
Đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên.
Ngoài ra, luật tiếp tục quy định thẩm quyền của Thủ tướng trong việc thành lập hội đồng thẩm định liên ngành; quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chi phí bồi thường và cho phép các bên thỏa thuận, thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán chi phí này.
Cùng với đó làm rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường là một tài liệu độc lập mà không phải là nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi. Cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tối đa 70% cho dự án đủ điều kiện.
Bổ sung quy định cho phép dự án độc lập hoặc dự án thành phần PPP tách riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư sử dụng vốn đầu tư công, áp dụng tỉ lệ vốn nhà nước tối đa 70% tổng mức đầu tư nếu đáp ứng điều kiện về địa bàn hoặc chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra quy định giao UBND tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền thống nhất trách nhiệm các địa phương trong việc chi trả phần giảm doanh thu theo quyết định chủ trương đầu tư…
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án BT
Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công đối với quỹ đất, tài sản công có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 tỉ đồng thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác.
UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công đối với quỹ đất, tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương.