Hiện nay, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được áp dụng theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ (trong khi Luật thuế giá trị gia tăng không đề cập vấn đề này). Đây là quyết định được Chính phủ thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo.
Theo đó, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu). Còn quà biếu, tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.
Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ để lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ Quyết định 78 nói trên.
Nguyên nhân, theo cơ quan này, gần đây nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore... đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Nhiều chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến nghị Việt Nam cân nhắc bỏ quy định này.
Thêm vào đó, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được ban hành từ năm 2010, khi hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công. Lúc đó, việc miễn thuế này đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm số lượng hàng phải khai nộp thuế. Song đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh qua các năm.
"Việc bỏ quy định miễn thuế để đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước", Bộ Tài chính cho biết. Cùng đó, quy định này cũng góp phần bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Năm ngoái, tổng giá trị hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng. Tương ứng, số thu ngân sách từ thuế VAT có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng sau khi bỏ miễn thuế.
Nhà chức trách đánh giá quy định mới có thể làm tăng thủ tục kê khai thuế với hàng giá trị nhỏ. Nhưng hệ thống công nghệ thông tin về quản lý hải quan tại các cảng, kho bãi đã hoàn thiện, cải thiện năng lực thông quan nên việc quản lý với hàng nhập qua chuyển phát nhanh, gồm hàng giá trị nhỏ, sẽ được tiến hành tập trung và nhanh chóng, không bị gián đoạn.
Thực tế, vài năm trở lại đây, hàng hóa giá trị nhỏ vào bằng chuyển phát nhanh chủ yếu được người tiêu dùng trong nước mua trực tiếp từ nước ngoài, qua hai kênh chính là shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như AliExpress, Shein, Temu.
Theo lượng sản phẩm và giá trị giao dịch (GMV), các đơn vị thống kê dữ liệu thương mại điện tử cho biết thị phần của các shop quốc tế trên sàn nội địa chiếm hơn 10%. Dữ liệu thu thập từ 4 nền tảng Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop giai đoạn tháng 4-9/2024 của EcomHeat (đơn vị thuộc công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI) cho thấy hơn 12% số sản phẩm được bán khai báo vận chuyển từ nước ngoài.
Tại Công điện ngày 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước. Việc này ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. Do đó, ông yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt với những hàng hóa này.