Xã hội

Có thật Việt Nam đang áp thuế quan 90% với hàng hóa Mỹ?

Tóm tắt:
  • Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam do cho rằng Việt Nam áp thuế 90% lên hàng hóa Mỹ.
  • Dữ liệu chính thức cho thấy mức thuế MFN trung bình của Việt Nam chỉ là 9,4%.
  • Con số 90% không phản ánh đúng khái niệm thuế quan theo định nghĩa của WTO.
  • Sự khác biệt về thuế không đồng nghĩa với phân biệt đối xử thương mại nếu áp dụng công bằng.
  • Quan hệ Việt Nam - Mỹ cần dựa trên dữ liệu chính xác và đối thoại để giải quyết khác biệt.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng. (Ảnh: VGP).

Là một người gần 20 năm phụ trách hoạt động nghiên cứu pháp lý cho Quốc hội, tôi cho rằng cần thiết phải thẩm định lại lập luận trên một cách độc lập và khách quan. Trước hết, câu hỏi đặt ra là: con số 90% này đến từ đâu, và nó có cơ sở thực chứng hay không?

Dữ liệu chính thức cho thấy không có mức thuế quan nào đạt tới 90%

Theo Báo cáo về Rào cản Thương mại nước ngoài năm 2024 của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) - nguồn tài liệu chính thức do chính phía Hoa Kỳ công bố - thì: Mức thuế MFN (tối huệ quốc) trung bình của Việt Nam là 9,4%; đối với hàng nông nghiệp là 17,1%; đối với hàng phi nông nghiệp là 8,1%.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 và đã ràng buộc toàn bộ các dòng thuế trong biểu cam kết. Từ góc nhìn này, khó có thể tìm thấy dòng thuế nào chạm đến ngưỡng 90%.

"90%" dường như là một phép cộng mang tính hình ảnh hơn là con số pháp lý.

Con số 90% - nếu có ý nghĩa thực tế - dường như được hình thành bằng cách cộng gộp nhiều khoản thuế và chi phí mà một số loại hàng hóa nhập khẩu đặc biệt (như rượu, thực phẩm cao cấp…) phải gánh chịu bao gồm Thuế nhập khẩu (MFN); Thuế tiêu thụ đặc biệt (tính theo giá bán, thường cao hơn giá nhập khẩu); Thuế giá trị gia tăng (VAT) và một số chi phí hành chính liên quan đến kiểm định chất lượng, đăng ký lưu hành, thủ tục hải quan…

Tuy nhiên, từ góc nhìn luật thương mại quốc tế, chỉ thuế nhập khẩu trực tiếp mới được xem là "thuế quan" theo định nghĩa trong WTO và các hiệp định thương mại tự do. Các loại thuế nội địa và chi phí hành chính chỉ được coi là rào cản phi thuế quan và phải được đánh giá trong bối cảnh cụ thể.

Hơn nữa, những khoản thuế gián thu như VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng đồng đều cho cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, vì vậy không thể được xem là hành vi bảo hộ hay phân biệt đối xử thương mại.

Ngoài ra, phương pháp gộp cộng các loại thuế và chi phí thành một chỉ số duy nhất như "thuế 90%" không phản ánh đúng cách đo lường mức độ bảo hộ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trong kinh tế học thương mại, người ta sử dụng các khái niệm như mức bảo hộ danh nghĩa (nominal protection rate) và mức bảo hộ hiệu dụng (effective protection rate), nhưng hai khái niệm này cũng được tính toán theo phương pháp thống nhất, có cơ sở lý thuyết rõ ràng, chứ không phải là phép cộng tùy nghi giữa các loại thuế và chi phí.

Do đó, việc sử dụng con số "90%" như một mức thuế quan là không chuẩn xác về mặt khái niệm, không hợp lệ về mặt pháp lý và thiếu thuyết phục về mặt học thuật.

Việc sử dụng con số

Những khác biệt về hệ thống thuế không đồng nghĩa với phân biệt đối xử.

Mỗi quốc gia có một hệ thống thuế gián thu được thiết kế dựa trên cấu trúc kinh tế, mục tiêu chính sách và năng lực quản lý của riêng mình. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, thuế tiêu thụ đặc biệt thường được áp dụng để điều tiết hành vi tiêu dùng đối với các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có đường... Đây là chính sách nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chứ không phải nhằm phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu.

Ngay cả khi trong thực tế các mặt hàng nhập khẩu phải chịu gánh nặng thuế tổng thể cao hơn so với sản phẩm trong nước - do phương pháp tính thuế, chi phí tuân thủ hoặc định giá khác biệt - thì điều đó không mặc nhiên đồng nghĩa với sự vi phạm nghĩa vụ thương mại quốc tế, miễn là:

1. Các quy định được áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước;

2. Không có hành vi đối xử khác biệt theo xuất xứ;

3. Quy trình ban hành, thực thi các chính sách là minh bạch và có thể dự đoán.

Trong luật thương mại quốc tế, yếu tố then chốt không phải là kết quả thuần túy về gánh nặng thuế, mà là quy trình và nguyên tắc áp dụng. Chính vì vậy, sự khác biệt về tổng gánh nặng thuế giữa hàng hóa Hoa Kỳ và hàng hóa nội địa Việt Nam (nếu có), cần được phân tích kỹ lưỡng và so sánh một cách hệ thống, chứ không thể lấy một số ít ví dụ đơn lẻ làm đại diện cho chính sách chung.

Hơn nữa, trong thực tiễn thương mại quốc tế, một số mặt hàng nhạy cảm như nông sản, thép, dệt may... thường bị áp mức thuế cao ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, những mức thuế này không mặc nhiên bị xem là hành vi phân biệt đối xử, nếu được áp dụng theo biểu thuế công khai, không phân biệt đối tác thương mại và tuân thủ nguyên tắc MFN trong WTO.

Vì vậy, để xác lập hành vi phân biệt, không thể chỉ dựa trên mức thuế cao mà cần chứng minh sự thiên lệch trong đối xử với hàng hóa của một quốc gia cụ thể, điều mà trong trường hợp của Việt Nam, cho đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng.

Áp thuế trả đũa dựa trên con số không rõ ràng: rủi ro về pháp lý và tiền lệ.

Việc chính quyền Hoa Kỳ sử dụng con số "90%" như một lý lẽ trung tâm để áp thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu đó có phải là cách tiếp cận phù hợp với tinh thần pháp lý quốc tế và các nguyên tắc của WTO?

Nếu xu hướng định lượng một cách cảm tính như vậy trở nên phổ biến, hệ thống thương mại đa phương có nguy cơ mất đi sự ổn định. Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể biện minh cho hành động đơn phương của mình bằng các lập luận không được thẩm định độc lập hoặc không phản ánh đúng bản chất pháp lý của sự việc.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cần nhiều hơn sự chính xác và đối thoại.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt đến cấp độ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận dựa trên dữ liệu đáng tin cậy, đánh giá khách quan và tinh thần đối thoại là nền tảng để xử lý khác biệt, thay vì sử dụng những lập luận mang tính biểu tượng hay cảm xúc.

Cuối cùng, việc khẳng định Việt Nam đang áp thuế quan 90% đối với hàng hóa Hoa Kỳ – nếu không có minh chứng cụ thể và hợp pháp – là một cách diễn giải thiếu chính xác. Tôi cho rằng những khác biệt thương mại – dù có – vẫn hoàn toàn có thể giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác hiện có, với sự tôn trọng lẫn nhau và cam kết cùng hướng tới một trật tự thương mại ổn định, công bằng và dựa trên luật lệ.

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Phát bệnh tâm thần vì mê cờ bạc

Nghiện cờ bạc, nợ hàng chục triệu đồng, nam thanh niên mệt mỏi hay suy nghĩ tiêu cực, sụt 10 kg, đi khám được chẩn đoán rối loạn tâm thần.

3 tháng, hoàn thuế gần 30.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Số quyết định hoàn thuế năm 2025 lũy kế đến ngày 23/3/2025 là 3.705 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 29.236 tỷ đồng, bằng 108% so với số hoàn cùng kỳ năm 2024 (3.962 quyết định với tổng số tiền được hoàn 27.128 tỷ đồng).