Lương cơ sở tăng 30% lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7 - mức tăng cao nhất trong hơn 20 năm qua. Trên nền này, tiền lương, phụ cấp, các chế độ của công chức, viên chức khu vực công sẽ tăng theo.
Kinh phí tăng lương được tích lũy từ năm nguồn, gồm: Tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; nguồn ngân sách Trung ương; một phần nguồn thu sự nghiệp; từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên và nguồn do tinh giản biên chế.
Cơ quan hành chính không lo nguồn trả lương
Với hơn 2.400 công chức, gần 17.000 viên chức hưởng lương từ ngân sách, TP Đà Nẵng đủ tiền chi trả lương mới từ đầu tháng 7. Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết tiền trả lương được tích lũy và cân đối từ nhiều nguồn, trước tiên từ chính sách tinh giản biên chế.
Giai đoạn 2021-2026, Đà Nẵng cắt giảm khoảng 10% biên chế với đơn vị hành chính và sự nghiệp. Việc thực hiện chính quyền đô thị cũng giúp tinh giản 69 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.
Ngoài ra, hàng năm thành phố giao kế hoạch xuống đơn vị đều yêu cầu trích lại 10% đưa vào nguồn dự trữ cho cải cách tiền lương. Các đơn vị sự nghiệp chủ động xây dựng định mức để có nguồn tự chủ như đặt hàng, khoán chi...
Là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 25%, 75% còn lại được ngân sách hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Giang, nói không gặp nhiều áp lực khi áp dụng tiền lương mới. Trước 1/7, kinh phí tự chủ đã được chuẩn bị đầy đủ từ các hoạt động đào tạo, tư vấn kết nối việc làm...
Một tuần trước kỳ trả lương hàng tháng, ông Huế đã ký bảng lương mới trên nền cơ sở 2,34 triệu đồng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Toàn bộ viên chức, lao động hợp đồng sẽ nhận tiền lương mới vào ngày 10/7. Với mức điều chỉnh 30%, tiền lương bình quân sau khi nhân hệ số đạt 8 triệu đồng mỗi người, tăng hơn 2 triệu so với tháng trước.
Theo ông Huế, tâm trạng chung của toàn đơn vị sau nhiều ngày chờ đợi cải cách tiền lương là phấn khởi, bởi ngoài lương, các khoản phụ cấp hiện hưởng tăng theo. Điều ông cũng như các nhân viên mong muốn nhất là Chính phủ có giải pháp kiềm chế tăng giá. Hiện giá một số mặt hàng tiêu dùng đã đội lên khoảng 10% so với trước khi có thông tin tăng lương.
Đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn áp lực
Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh gồm Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (trực thuộc UBND TP Hà Tĩnh) là đơn vị tự chủ nhóm 2, tức phải tự bảo đảm chi các khoản thường xuyên như tiền lương, trực, phẫu thuật, kỹ thuật, ngoài giờ... cho cán bộ nhân viên. Hiện trung tâm chưa chuẩn bị được nguồn tiền để chi trả theo lương cơ sở mới.
Lãnh đạo đơn vị tính toán doanh thu bình quân mỗi tháng 8 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 60% chi mua thuốc men, vật tư, vài trăm triệu trả tiền điện, nước. Riêng tiền chi lương cho 350 cán bộ, nhân viên khoảng 3,1 tỷ đồng. Nếu áp dụng lương cơ sở 2,34 triệu đồng nhân hệ số, tiền tăng thêm 898 triệu đồng mỗi tháng.
Trong khi đó bảo hiểm y tế còn chưa thanh toán hơn 40 tỷ đồng tồn từ năm 2023, trung tâm không có nguồn để trích lập quỹ cải cách tiền lương mới. Mỗi quý, phía bảo hiểm chuyển tạm ứng 80% song quyết toán chậm, ảnh hưởng phương án chi trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Nhìn lại mỗi lần điều chỉnh lương cơ sở, lao động vui vì thu nhập cải thiện nhưng lãnh đạo trung tâm thêm áp lực. Giữa năm 2023, lương cơ sở tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng, trung tâm bị chậm lương 3 tháng vì chưa kịp bố trí nguồn tiền.
Trung tâm đang báo cáo với cấp trên để có giải pháp tháo gỡ, mong muốn thay đổi mức giá dịch vụ y tế căn cứ vào cơ cấu tiền lương mới. Ngoài ra, Quỹ Bảo hiểm y tế cần thanh toán kịp thời chi phí còn tồn đọng để cơ sở y tế có nguồn trả công nợ, trích lập quỹ đảm bảo nguồn tăng lương.
Chung bối cảnh, Bệnh viện Đà Nẵng tự cân đối toàn bộ nguồn thu để trả lương cho hơn 2.000 cán bộ, nhân viên. "Không được hỗ trợ từ ngân sách, khi tăng lương mới có một phần áp lực do nguồn thu không thay đổi", Giám đốc Lê Đức Nhân chia sẻ.
Từ đầu tháng 7, đơn vị đã chi trả lương cơ bản trên nền cơ sở 2,34 triệu đồng nhân hệ số. Riêng phần thu nhập tăng thêm vẫn chi trả bằng mức của tháng 6, đợi hội nghị cán bộ công chức thời gian tới để cùng thảo luận, xem báo cáo tài chính rồi mới quyết định phương án.
Ông Nhân cho rằng không riêng Bệnh viện Đà Nẵng mà lãnh đạo các đơn vị đều mong mỏi chi trả mức lương hợp lý để đáp ứng đời sống nhân viên. Trong khả năng, họ "cố gắng tối đa để cân đối nguồn thu, còn vướng mắc nội dung nào thì báo cáo cấp trên xin điều chỉnh cho phù hợp".
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá mức tăng 30% tạo niềm vui lớn cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn toàn hưởng lương từ ngân sách. Nhưng tỷ lệ này cũng gây áp lực rất lớn cho đơn vị sự nghiệp công lập mới tự chủ một phần hoặc toàn phần, bởi nhiều nơi chưa thể tạo ra ngay nguồn tiền để trả lương từ tháng 7.
"Nhà nước vẫn nên dành một phần ngân sách hỗ trợ các đơn vị này để kịp thời chi trả lương mới ngay từ tháng 7, đảm bảo nguyên tắc ai cũng được nâng lương", ông nói. Cùng khu vực công, nhưng người được tăng 30% người chưa được sẽ gây tâm tư. Mức hỗ trợ sẽ không cào bằng mà tùy thực tiễn mỗi đơn vị.
Theo ông Lợi, quan trọng nhất là giữ được giá trị của đồng tiền, đảm bảo sức mua và số lượng hàng hóa tiêu dùng. Chính phủ cần tập trung cao độ các giải pháp kiềm chế lạm phát, không để giá cả tăng đột biến để tiền lương tăng thêm thực chất, nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh.