Sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp để thiết lập mức giá 82,35 USD/cổ phiếu hôm 28/8 vừa qua, cổ phiếu của hãng xe điện Vinfast (VFS) đã có hai phiên giảm liên tiếp khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chốt lời.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 30/8, VFS mở cửa trong sắc xanh với mức giá 53,4 USD/cổ phiếu, tăng hơn 10% so với hôm trước. Chỉ sau vài phút giao dịch, thị giá cổ phiếu VinFast đã tăng hơn 22% lên 57,50 USD/cổ phiếu. Vốn hoá của hãng xe điện này tăng vượt mốc 130 tỷ USD.
Nhưng áp lực chốt lời của các nhà đầu tư sau đó đã khiến VFS quay đầu giảm. Kết phiên giao dịch, VFS đóng cửa ở mức giá 41,27 USD/cổ phiếu, tương đương mức giảm thêm 10,77% so với phiên liền trước. Theo thống kê, trong phiên giao dịch ngày 30/8 đã có hơn 10,87 triệu cổ phiếu VFS được các nhà đầu tư sang tay.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 29/8, cổ phiếu VFS đã giảm tới 44% khiến giá trị vốn hóa của doanh nghiệp giảm hơn 83 tỷ USD so với phiên liền trước.
Cổ phiếu VFS có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch tích cực. Kết phiên giao dịch ngày 30/8, chỉ số DJIA ghi nhận mức tăng 0,11% để đóng cửa ở mức 34.890,24 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,38% để đóng cửa ở mức 4.514,78 điểm và chỉ số Nasdaq ghi nhận mức tăng 0,54% để đóng cửa ở mức 14.019,31 điểm.
Giá trị vốn hóa của Vinfast giảm đáng kể cùng đà giảm của cổ phiếu VFS trong những phiên giao dịch gần đây
Với mức giá đóng cửa ở 41,27 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm còn 95,48 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa này, Vinfast rời Top 3 hãng xe ô tô có giá trị vốn hóa nhất thế giới để đứng ở vị trí thứ 5 sau Tesla với giá trị vốn hóa 815,39 tỷ USD, Toyota với giá trị vốn hóa 227,40 tỷ USD, hãng xe Porsche của Đức vươn lên đứng vị trí thứ 3 thay thế vị trí của Vinfast với giá trị vốn hóa 99,8 tỷ USD, BYD của Trung Quốc đứng vị trí thứ 4 với giá trị vốn hóa 95,95 tỷ USD khi trong phiên giao dịch thị giá của BYD ghi nhận mức tăng 1,25% để đóng cửa ở mức giá 34,31 USD/cổ phiếu.
Chỉ tính riêng trong phân khúc xe điện, giá trị vốn hóa của Vinfast vẫn đứng vị trí thứ 2 sau gã khổng lồ Tesla. Trong khi đó, giá trị vốn hóa của Vinfast bỏ xa các hãng xe điện phía sau như Li Auto với giá trị vốn hóa chỉ 41,8 tỷ USD, Rivian giá trị vốn hóa 21,69 tỷ USD, hay NIO giá trị vốn hóa 18,97 tỷ USD, trong khi giá trị vốn hóa của XPeng chỉ 16,34 tỷ USD.
Trước những biến động mạnh của cổ phiếu Vinfast kể từ khi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market của Mỹ hôm 15/8 vừa qua, tờ Bloomberg cho biết lý do lớn nhất khiến thị giá của VFS biến động mạnh là sự khan hiếm. Theo bản cáo bạch, lượng cổ phiếu do nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng nắm giữ chiếm hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành của VinFast Auto. Điều này khiến lượng cổ phần tự do chuyển nhượng sau khi VinFast niêm yết ở mức rất thấp.
Theo Bloomberg, cơ cấu cổ đông cô đặc đồng nghĩa nếu 1 người mua vào 1 lượng cổ phiếu đủ lớn cũng có thể khiến giá cổ phiếu biến động rất mạnh. Ngoài ra cổ phiếu VFS cũng “lọt vào tầm ngắm” của các nhà giao dịch nhỏ lẻ - nhóm nhà đầu tư rất ưa chuộng các cổ phiếu xe điện.
Đánh giá về những rủi ro mà cổ phiếu của Vinfast phải đối mặt, tác giả của Bloomberg cho biết không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra đối với giá cổ phiếu. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Tyler Manh Dung Nguyen của Maybank, VinFast vẫn là 1 “người chơi” mới trên thị trường xe điện, do đó sẽ cần thêm thời gian và tiền bạc để xây dựng thương hiệu cũng như tăng doanh số.
Trong khi đó, theo chuyên gia Nicholas Colas của Datatrek, đối với các nhà đầu tư thì sức hấp dẫn của VinFast nằm ở 2 thế mạnh riêng: chỉ sản xuất xe điện và đến từ thị trường mới nổi.