TPB - Tích cực
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Phân tích:
Chứng khoán Bản Việt tăng giá mục tiêu cho TPB thêm 3,2% lên 39.200 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên mua khi giá cổ phiếu của ngân hàng đã giảm 26,8% trong 3 tháng qua.
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu là do tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2023, bù đắp cho dự báo lợi nhuận sau thuế thấp hơn 3,1% cho giai đoạn 2022 - 2026 so với dự báo trước đó của VCSC và điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 1,71 lần còn 1,6 lần.
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giai đoạn 2022 - 2026 của Chứng khoán Bản Việt giảm chủ yếu là do tổng thu nhập từ lãi (NII) giảm 0,9%, tổng thu nhập phí ròng (NFI) giảm 4,7% và tổng chi phí dự phòng tăng 13%.
Các khoản dự phòng cao hơn là do việc áp dụng tỷ lệ xử lý nợ bằng dự phòng trung bình là 0,78% cho giai đoạn dự báo so với 0,44% trước đó do TPB cho thấy mong muốn xử lý nợ xấu bằng dự phòng tích cực hơn trong năm 2021.
FPT - Mảng CNTT dẫn dắt tăng trưởng thu nhập
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Phân tích:
Kết quả kinh doanh quý I/2022 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và củng cố quan điểm tích cực của công ty chứng khoán về triển vọng lợi nhuận của FPT do các động lực dài hạn vẫn còn mạnh mẽ.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin của công ty sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng áp dụng kỹ thuật số vào hệ thống, cả trên toàn cầu và trong nước trong dài hạn, lĩnh vực này sẽ dẫn đầu triển vọng thu nhập của Tập đoàn với lợi nhuận trước thuế dự phóng CAGR 3 năm là 26% trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời, tăng trưởng thuê bao PayTV và tăng công suất của DC, trong bối cảnh số lượng thuê bao băng rộng cố định tăng trưởng ổn định, sẽ thúc đẩy lợi nhuận trước thuế CAGR 3 năm dự kiến của mảng viễn thông lên 15%.
Cuối cùng, sự mở rộng mạnh mẽ mạng lưới giáo dục K-12 và thu nhập tăng cao ở các công ty liên kết chính, cụ thể là FRT và Synnex FPT, sẽ hỗ trợ thu nhập của mảng giáo dục và đầu tư. Dự báo EPS CAGR 3 năm trong 2022-2025 là 21%, giúp PER 2022F/23F là 14,7x/11,9x trở nên tương đối hấp dẫn.
Bên cạnh đó, tỷ trọng cao của FPT trong quỹ ETF VFMVN DIAMOND (15,9% tính đến ngày 31/5/2022) là chất xúc tác ngắn hạn cho cổ phiếu trong bối cảnh quỹ ETF đang hút ròng mạnh. VDSC nâng giá mục tiêu lên 133.200 đồng, tương ứng P/E dự phóng 2022F/23F là 20,1 lần/16,3 lần, duy trì khuyến nghị tích lũy.
VHC - Cung cầu thuận lợi là động lực tăng trưởng
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Phân tích:
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng lợi nhuận năm 2022 của VHC sẽ tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2018, nhờ cả nhu cầu cao và nguồn cung khan hiếm. Sử dụng kết hợp định giá 50:50 của phương pháp dòng tiền thuần của doanh nghiệp (FCFF) và định giá từng phần, VDSC đưa ra giá trị hợp lý là 114.600 đồng/cp, tương đương mức sinh lời kỳ vọng 6%, bao gồm cả tỷ suất cổ tức tiền mặt 2%.
Các nhà phân tích của Chứng khoán Rồng Việt đưa ra khuyến nghị tích lũy đối với cổ phiếu VHC. PER dự phóng năm 2022 tại giá mục tiêu ở mức 9,9 lần, cao hơn P/E trung bình 5 năm là 7,9 lần.
Điều này là phù hợp với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dài hạn được cải thiện và việc VHC từng bước chuyển đổi thành công ty F&B chuyên về chăm sóc sức khỏe với các mảng kinh doanh mới sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn và ổn định hơn.
Đợt tăng giá cổ phiếu vừa qua đã thu hẹp tiềm năng sinh lời của VHC. VDSC cho rằng với kết quả kinh doanh quý II/2022 dự kiến tiếp tục tăng cao so với quý I, đà tăng giá cổ phiếu có thể tiếp diễn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, việc nắm giữ dài hạn hơn cần được cân nhắc đến rủi ro nhu cầu cá tra toàn cầu giảm nhiệt, hay nói cách khác, lợi nhuận của VHC trong các quý sau có rủi ro giảm so với quý II 2022.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.