Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa công bố nghị quyết về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Cổ phiếu BSR sẽ "chuyển nhà" trong năm nay?
Theo đó, lãnh đạo BSR cho biết đã chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị, nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục có liên quan để niêm yết cổ phiếu BSR trên HoSE ngay trong năm 2024.
Danh sách cổ đông nhà nước, cổ đông lớn tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 do BSR công bố duy nhất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hiện PVN nắm giữ 2,85 tỉ cổ phần của BSR, tương đương tỉ lệ sở hữu 92,13%.
Theo báo cáo thường niên năm 2023, BSR được thành lập từ năm 2008, có vốn điều lệ hơn 31.000 tỉ đồng.
Từ tháng 3-2018, cổ phiếu BSR bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM. Quãng thời gian tăng giá rất mạnh của BSR vừa diễn ra vào nửa đầu năm nay, từ mức hơn 18.000 đồng, có lúc lên gần 25.000 đồng, sau đó "hạ nhiệt".
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14-8, mỗi cổ phiếu BSR có giá 23.100 đồng, tăng khoảng 16% sau một năm nhưng chỉ tăng chưa tới 9% kể từ khi niêm yết.
Cùng với VGI của Viettel Global, ACV của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng là một "ông lớn" trên sàn UPCoM nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung với vốn hóa gần 3 tỉ USD (71.621 tỉ đồng).
"Kẹt" khoản tiền lớn tại OceanBank, cổ phiếu được đánh giá mức "trung lập"
Nằm trong số doanh nghiệp "họ" dầu khí "không có gì ngoài tiền", cuối tháng 6-2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sở hữu lượng tiền gửi ngân hàng gần 40.000 tỉ đồng (gần 1,6 tỉ USD), tăng hơn 1.800 tỉ đồng so với đầu năm.
Nhờ mang cả "núi" tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi nhận về nửa năm nay của BSR đạt 640 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Về số dư tiền gửi của BSR, điểm lưu ý đến cuối quý 2, các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này vẫn bao gồm tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại OceanBank hơn 2.734,7 tỉ đồng vẫn đang tạm dừng giao dịch.
Thuyết minh tại báo cáo tài chính, ban tổng giám đốc BSR nhiều lần đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng thực tế năm này qua năm khác, khoản tiền vẫn "treo" ở đó.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của BSR - chủ Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đạt hơn 55.117 tỉ đồng, giảm gần 19%; còn lãi ròng đạt 1.883 tỉ đồng, giảm 36%.
Ông Bùi Ngọc Dương - tổng giám đốc BSR - cho biết trong tháng 3 và 4 năm nay, nhà máy tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, theo BSR, trong quý 2 năm nay giá dầu thô và sản phẩm biến động phức tạp. Theo đó, giá dầu thô giảm từ 90,15 USD/thùng trung bình tháng 4 còn 82,61 USD/thùng trong tháng 6.
Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp công bố mới đây, đội ngũ phân tích Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 sẽ đạt 5.800 tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ.
SSI kỳ vọng lợi nhuận của BSR sẽ phục hồi trong các quý tới từ mức nền thấp trong quý 2-2024, nhưng lợi nhuận nửa cuối năm 2024 có thể vẫn thấp hơn mức nền cao trong nửa cuối năm 2023.
Trong năm 2025, SSI ước tính lợi nhuận có thể tăng 18% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ phục hồi. Tuy nhiên, SSI chỉ khuyến nghị ở mức "trung lập" với BSR cùng giá mục tiêu 1 năm 23.000 đồng/cổ phiếu. Trong ngắn hạn, quá trình chuyển niêm yết sang sàn HoSE có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF). Vì vậy trên báo cáo tài chính quý 2-2024, BSR điều chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Nhờ không còn khoản nợ quá hạn như các quý trước, BSR có khả năng đáp ứng điều kiện niêm yết của HoSE. Mặc dù BSR sẽ phải chờ báo cáo kiểm toán nhưng đây được coi là bước tiến đáng kể.