Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, khối ngoại mua ròng hàng trăm tỷ đồng
Tuần giao dịch vừa qua (22-26/1), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với 8 mã tăng giá, 2 mã đi ngang và 17 mã giảm giá. Sự biến động giá của các mã cũng không quá lớn khi đều ở dưới mức 3%.
Cụ thể, cổ phiếu PGB của PGBank là mã tăng tốt nhất tuần qua với mức +2,2%, đóng cửa tại mức 27.000 đồng/cp. Xếp sau là một cổ phiếu giao dịch trên UPCoM khác là SGB với mức tăng 1,8%, đạt 13.300 đồng/cp. Trong nhóm cổ phiếu niêm yết trên HOSE, HDB và SHB là 2 mã có mức tăng tốt nhất, lần lượt đạt 1,7 và 1,6%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu OCB điều chỉnh nhiều nhất toàn ngành tuần qua, song chỉ ở mức -2,7%, giảm còn 14.600 đồng/cp. Ngoài ra, các mã còn lại điều chỉnh giảm chưa tới 2%. Hai mã đứng tham chiếu trong tuần qua là STB của Sacombank và SSB của SeABank.
Thanh khoản của toàn ngành cũng có sự điều chỉnh trong tuần giao dịch cận Tết Nguyên đán với 890 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 19.050 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với tuần trước đó.
Vị trí dẫn đầu về thanh khoản tuần này quay trở lại với STB với giá trị giao dịch đạt 2.885 tỷ đồng, cao hơn 330 tỷ đồng so với cổ phiếu EIB xếp sau đó. Cũng cần phải nói thêm, giá trị giao dịch của cổ phiếu EIB đã tăng gần 1.000 tỷ đồng so với tuần trước đó nhờ xuất hiện các giao dịch thỏa thuận lớn. Ngoài ra, còn 2 mã có giá trị giao dịch đạt trên 2.000 tỷ đồng trong tuần qua là của MBB và SHB.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong tuần này. Nhóm này đã mua ròng hàng trăm tỷ đồng các mã, bao gồm 237 tỷ đồng EIB, 192 tỷ đồng CTG, 178 tỷ đồng STB, 152 tỷ đồng VPB, 122 tỷ đồng VCB.
Trong khi đó, nhóm tự doanh lại có xu hướng trái ngược khi tập trung bán ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, gồm 101 tỷ đồng CTG, 75 tỷ đồng EIB, 64 tỷ đồng STB, 34 tỷ đồng VPB, 28 tỷ đồng ACB, ...
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, tương đương 4 - 5% vốn chủ sở hữu tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Ông Lê Tuấn Anh, con trai bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank, đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu SSB của ngân hàng với mục đích cơ cấu tài chính cá nhân.
ACB tái bổ nhiệm hai phó tổng giám đốc là ông Bùi Tấn Tài và ông Nguyễn Đức Thái Hân. Cả hai đã có thâm niên làm việc khoảng 30 năm tại ACB.
Eximbank bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII. Trước đó, vào tháng 10/2023, ông Trần Tấn Lộc đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Eximbank để tập trung vào nhiệm vụ tại HĐQT.
Thêm nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 2023. Ngân hàng ACB báo lãi quý IV/2023 đạt 4.006 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cả năm của ngân hàng ở mức 16.045 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm ngoái.
Techcombank công bố lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt 4.482 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức gần 18.200 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
BVBank công bố báo cáo tài chính quý IV với lợi nhuận sau thuế giảm 69,5% so với cùng kỳ, xuống 8 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận của ngân hàng là 56,6 tỷ đồng, thấp hơn 84,5%.