Năm 2022 là một năm không mấy khả quan của thị trường chứng khoán Việt Nam khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như rủi ro lạm phát, suy thoái kinh tế, các vấn đề địa chính trị,… VN-Index, chỉ số đại diện cho thị trường, đã giảm gần 35%, xuống còn mức 1.007 điểm.
Trong đó, cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành chiếm tới ¼ vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng không tránh khỏi xu hướng chung với sắc đỏ bao trùm. Tính đến hết năm 2022, có tới 25/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá và riêng trong đó, có 24 mã đã giảm với mức 2 con số.
Cụ thể, cổ phiếu VBB của Vietbank giảm mạnh nhất trong năm vừa qua với mức -59,9%, xuống còn 7.880 đồng/cp, chỉ còn bằng một nửa so với mức giá hồi tháng 8/2020, khi cổ phiếu này lần đầu được giao dịch trên thị trường.
Nhóm cổ phiếu trên thị trường UPCoM chiếm áp đảo trong top giảm giá mạnh nhất khi 4 mã xếp sau VBB là các mã BVB, ABB, KLB và PGB. Trong nhóm này, chỉ có duy nhất PGB vẫn đang trên mệnh giá.
Đối với nhóm được niêm yết, TPB và SHB là 2 cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với mức -48,7%, xuống còn lần lượt là 21.050 đồng/cp và 9.950 đồng/cp. SHB cũng là cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên HOSE duy nhất đang có giá giao dịch thấp hơn mệnh giá tính đến hết năm 2022. Ở nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn như TCB, MBB, HDB, STB, ACB, … mức giảm cũng đều trên 20%.
Hai cổ phiếu ngân hàng duy nhất giữ được sắc xanh trong năm nay là VCB và BID, cũng là 2 “ông lớn” trong ngành. Song mức tăng là không nhiều, khi BID tăng 4% lên mức 38.600 đồng/cp, còn VCB chỉ nhích nhẹ 1,5% lên 80.000 đồng/cp.
Triển vọng 2023, vẫn còn “cơ trong nguy”
Theo đánh giá chung của giới phân tích, bối cảnh kinh tế chung của toàn cầu lẫn trong nước vẫn còn nhiều thử thách đối với các ngân hàng trong năm 2023. Năm tới đây, Chính phủ đã đặt rõ kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu, cùng với việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi kinh tế.
Định hướng này khiến chi phí huy động vốn khó có thể giảm, trong khi lãi suất cho vay cũng khó có thể tăng, từ đó tác động tiêu cực đến biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các nhà băng.
Theo dự báo của các chuyên gia VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, giảm từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022 xuống 10-12% trong năm 2023 - 2024, khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Đáng chú ý, khoảng 46.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ là một thử thách lớn cho hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, theo VNDirect sang nửa cuối năm, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt. Cùng với đó, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Mặt khác, VNDirect cũng nhấn mạnh, sức khỏe các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn so với trước đây. Các nhà băng vẫn được hưởng lợi nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Với góc nhìn tương tự, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn.Các chuyên gia ACBS cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, với định giá vẫn ở mức thấp, nhóm phân tích đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Trên góc độ định giá, Chứng khoán BSC cũng nhận định, cổ phiếu ngân hàng đang có mức chiết khấu tương đối sâu so với giai đoạn lịch sử. Trong khi đó, sức khoẻ tài chính của các nhà băng vẫn tương đối tốt, do đó xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại.