24/27 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 2/9, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có một tuần giao dịch (5/9 - 9/9) ảm đạm với 24/27 mã giảm giá và cũng là nhóm ngành có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index trong tuần qua.
Tính theo tỷ trọng đóng góp vốn hóa dựa trên free-float, 5 mã khiến VN-Index giảm điểm mạnh nhất tuần qua đều là các cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, trong tuần qua, SHB là mã giảm mạnh nhất toàn ngành với mức -10,3%, kết tuần còn 14.300 đồng/cp, mức thấp nhất từ cuối tháng 7. Riêng phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu SHB đã rút chân và tăng 2,1%.
Xếp sau SHB là cổ phiếu của 2 "ông lớn" BID và VCB với mức giảm lần lượt là 8,3% và 7,1%. Trước đó, BID đã có đà tăng giá tốt, mặt bằng giá cao hơn 30% so với vùng đáy giữa tháng 6. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác như VPB, HDB, MBB, TCB, CTG, ... cũng không tránh khỏi diễn biến chung của ngành với mức giảm dao động từ 3 đến 7%.
Ở chiều ngược lại, nhóm tăng giá lại là các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ gồm 3 mã: NVB, PGB và EIB. Trong đó NVB tăng mạnh nhất với mức 4,6%.
Thanh khoản không có nhiều biến động so với thời điểm trước nghỉ lễ. Cụ thể, tuần qua có gần 524 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, đi ngang so với các tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương đương đạt 13.340 tỷ đồng.
Trong đó, SHB tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thanh khoản với gần 90 triệu cp được giao dịch. Dù vậy, giá trị giao dịch tương đương chỉ là 1.350 tỷ đồng. Xếp sau là VPB với khối lượng giao dịch đạt hơn 71 triệu cp. Song, giá trị giao dịch tương ứng đạt 2.215 tỷ đồng, đứng đầu toàn ngành.
Một số mã khác có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng gồm có STB (1.647 tỷ đồng), TCB (1.460 tỷ đồng), MBB (1.305 tỷ đồng).
Trong tuần này, khối ngoại tiếp tục gom thêm HDB với giá trị mua ròng đạt gần 93 tỷ đồng. Ngoài ra, không có cổ phiếu ngân hàng nào được nhóm này mua ròng trên 10 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, STB bị bán ròng mạnh 143 tỷ đồng, VCB bán 75 tỷ đồng.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
NHNN đã chính thức nới room cho loạt ngân hàng, mức nới room cao nhất lên tới 4% dành cho một ngân hàng tư nhân. Room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế.
Ngay sau khi nới room tín dụng cho nhiều ngân hàng, NHNN đã ban hành văn bản thúc đẩy việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
8 ngân hàng được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi, nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, OCB, SeABank, TPBank và VIB.
Trong tuần, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm có thời điểm tăng mạnh 1,17 điểm % lên 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ cuối năm 2012.
BIDV thu giữ xe Rolls Royce để xử lý thu hồi khoản nợ của FLC Faros. Khoản vay của FLC Faros đã phát sinh nợ quá hạn từ ngày 21/2/2022 với tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8/2022 là xấp xỉ 186 tỷ đồng.
Sacombank đấu giá 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú với giá khởi điểm hơn 8.600 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.