Phiên giao dịch chứng khoán ngày 29/3, cổ phiếu của Tập đoàn FPT bất ngờ tăng trần, giá lên 104.900 đồng/cổ phiếu và lập đỉnh cao nhất từ trước tới nay.
Việc một mã bluechips tăng trần vốn là điều ít khi xảy ra, bởi cung và cầu các cổ phiếu này thường ở trong trạng thái cân bằng. Theo quan sát, đây là lần đầu tiên FPT tăng trần trong vòng 14 tháng qua (kể từ cuối tháng 1/2021).
Với mức giá này, vốn hóa FPT hiện đã lên 95.000 tỷ đồng, sắp được vào 'câu lạc bộ 100.000 tỷ'. Trên sàn chứng khoán hiện nay, FPT đang là doanh nghiệp lớn thứ 18.
Cổ phiếu FPT tăng giá thời gian gần đây sau khi công ty công bố lãi 1.100 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 7/4 tới đây, FPT sẽ họp Đại hội cổ đông để thông qua kế hoạch doanh thu tăng 19% lên 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 7.618 tỷ đồng.
FPT cho biết, các hoạt động đầu tư năm 2022 sẽ có chi phí khoảng 4.000 tỷ đồng, bao gồm 1.200 tỷ đồng cho Khối công nghệ, 2.000 tỷ đồng cho khối viễn thông và 800 tỷ đồng cho khối giáo dục và các hoạt động khác.
Ngoài ra FPT sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2021, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tỷ lệ 20%. Chỉ tiêu cổ tức năm 2022 là 20%.
Từ 2022, Hội đồng quản trị FPT bước vào nhiệm kỳ mới 2022-2027. FPT sẽ trình đại hội cổ đông về việc bầu 7 nhân sự điều hành nhiệm kỳ mới. Trong đó, 3 khai quốc công thần là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo sẽ tiếp tục góp mặt, cùng với ông Jean Charles Belliol.
3 người rời Hội đồng quản trị gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. 3 cái tên thay thế là các ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.