Như vậy, sau ngày này, nhà đầu tư sẽ không thể mua bán cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC và HAI của CTCP Nông dược HAI, thay vì chỉ bị hạn chế (được giao dịch vào buổi chiều) như trước.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu FLC ghi nhận mức giảm 0,5% để đóng cửa ở mức giá 4.000 đồng/cổ phiếu tương đương giá trị vốn hóa giảm còn 2.840 tỷ đồng. Mã này đã giảm 8/10 phiên gần nhất với 4 phiên giảm kịch sàn.
Hiện ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC vẫn đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp khi nắm giữ hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC tương đương tỷ lệ 30,34%. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 31/8, khối tài sản của ông Quyết tại FLC có giá trị gần 862 tỷ đồng.
Trong khi đó, HAI ghi nhận mức tăng 1,11% trong phiên giao dịch ngày 31/8 để đóng cửa ở mức giá 1.820 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của HAI đạt hơn 332,5 tỷ đồng.
Liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC và HAI cũng sẽ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 tới
Trước FLC và HAI, cổ phiếu ROS của FLC Faros cũng bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 và vừa bị hủy niêm yết từ 5/9 do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo quy định, công ty bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Tuy nhiên, với trường hợp của ROS, đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết việc nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.
HNX cho biết, việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Cũng trong ngày 31/8, HoSE có quyết định đưa cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB) vào diện cảnh báo từ ngày 9/9.
Lý do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.
Trước đó, lý giải về việc nộp chậm được GAB đưa ra là, các đơn vị kiểm toán đầy đủ năng lực chuyên môn đều từ chối hợp tác với lý do liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán mặc dù ông Quyết không tham gia điều hành, chỉ đạo các hoạt động quản trị công ty; Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC không tham gia kinh doanh hay Đầu tư chứng khoán nên không liên quan đến các giao dịch, hoạt động chứng khoán mà hiện nay cơ quan điều tra đang thực hiện.
Tuy nhiên, phúc đáp giải trình của GAB, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng lý do hoãn công bố thông tin trên không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.