Chứng khoán BOS (Mã: ART) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022, báo cáo thường niên năm 2022, báo cáo soát xét bán niên năm 2023.
Như vậy, Chứng khoán BOS là doanh nghiệp đầu tiên trong hệ sinh thái FLC khắc phục vi phạm về công bố thông tin. Các công ty còn lại chưa thể khắc phục là CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC), CTCP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS), CTCP Nông dược HAI (mã: HAI), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã: AMD), CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (mã: GAB), CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (mã: KLF).
Động thái này khiến nhà đầu tư kỳ vọng Chứng khoán BOS có thể khắc phục những vi phạm về công bố thông tin và cổ phiếu ART trở lại sàn chứng khoán.
Theo báo cáo thường niên, tại ngày 31/12/2022, công ty có tổng cộng 12.504 cổ đông (toàn bộ là cổ đông cá nhân). Trong đó, 78 cổ đông nước ngoài nắm giữ 638.532 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,66% và 12.426 cổ đông trong nước nắm giữ hơn 96,28 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 99,34%.
Về cổ đông lớn, Chứng khoán BOS có một cổ đông lớn duy nhất nắm giữ hơn 5,83 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 6,03% vốn là bà La Thị Mỹ Phượng.
Ngày 11/8, hơn 96,9 triệu cổ phiếu ART đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) huỷ niêm yết bắt buộc do công ty chứng khoán này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, ở thời điểm này Chứng khoán BOS có tổng cộng 12.522 cổ đông (tại ngày 31/7).
Trong báo cáo tài chính năm 2022, đơn vị kiểm toán của Chứng khoán BOS đưa ý kiến kiểm toán loại trừ. Giải trình về các ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Chứng khoán BOS cho biết khoản cho vay ký quỹ mã chứng khoán GAB với giá trị 114,4 tỷ đồng, ĐHĐCĐ và HĐQT đã có nghị quyết về việc đánh giá các khoản này không có khả năng thu hồi và thực hiện trích lập dự phòng 100% giá trị.
Tương tự, khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) với giá trị 467,1 tỷ đồng nhưng MSB tự động thu giữ và chưa giải thích đầy đủ nguyên nhân cho công ty. ĐHĐCĐ và HĐQT đã có nghị quyết về việc đánh giá các khoản này không có khả năng thu hồi và thực hiện trích lập dự phòng 100% giá trị trên báo cáo tài chính.
Với khoản đầu tư vào cổ phiếu CTCP Đầu tư kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes và CTCP Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (với giá trị 209,5 tỷ đồng) chưa có đủ thông tin cơ sở về tình hình hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2022 để đánh giá lại giá trị.
Cập nhật mới nhất về tình hình kinh doanh quý vừa qua, Chứng khoán BOS ghi nhận doanh thu hoạt động quý III hơn 1,3 tỷ đồng, giảm 81% so với quý III/2022; Lỗ sau thuế 4,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 149 triệu đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, công ty chứng khoán này lỗ ròng gần 11,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi ròng 17,9 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, danh mục FVTPL (toàn bộ là cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết) của Chứng khoán BOS có giá gốc 297,2 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị hợp lý gần 356 tỷ đồng, tương đương danh mục đang lãi 19,8%.