
Diễn biến giá cổ phiếu VFS từ đầu năm đến sáng ngày 02/07/2025. Nguồn: Dữ liệu bảng giá chứng khoán FireAnt.
Tính đến kết phiên sáng 2/7, giá cổ phiếu CTCP Chứng khoán Nhất Việt (Mã: VFS) chỉ còn 20.800 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tương ứng mức giảm 29% so với đỉnh 29.500 đồng/cp được thiết lập ngày 20/06, tức mất giá 8.700 đồng/cổ phiếu trong chưa đầy 2 tuần.
Trong 7 phiên gần nhất, VFS đã giảm tổng cộng 23%, trong đó có phiên giảm sàn với tình trạng trắng bên mua. Trong phiên 1/7, cổ phiếu này đóng cửa tại 22.700 đồng, giảm 8,47% với thanh khoản cao, có thời điểm trong phiên chạm mức sàn 22.400 đồng.
Trước đó, từ sau cú sốc thuế quan của Mỹ đầu tháng 4, cổ phiếu VFS đã có chuỗi tăng giá mạnh. Bắt đầu từ phiên tăng trần 10% ngày 10/06, VFS tiếp tục tăng liên tiếp nhiều phiên để đạt đỉnh vào ngày 20/06 với mức tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm. Mức tăng này đã đưa VFS vượt qua APG để trở thành mã chứng khoán tăng mạnh nhất nửa đầu năm 2025 – theo thống kê từ dữ liệu giao dịch tại ngày 20/06.
Cấu trúc sở hữu và mối liên kết giữa VFS và hệ sinh thái Amber
Thông tin về CTCP Chứng khoán Nhất Việt, đây là một thành viên trong hệ sinh thái tài chính của Amber Capital Holdings – một tập đoàn đa ngành do ông Trần Anh Thắng từng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đầu tháng 5/2025, ông Trần Anh Thắng bất ngờ bị miễn nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của VFS.
Người thay thế ông Thắng là bà Nguyễn Thị Thu Hằng – em vợ ông Thắng, người đã gắn bó với công ty từ năm 2020 và được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc từ 2023. Đến ngày 17/6, bà Hằng tiếp tục ủy quyền cho bà Trịnh Thị Lan làm người công bố thông tin.
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của VFS là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Hòa An – đơn vị nắm trên 17% vốn điều lệ, cũng là tổ chức có liên quan Amber Capital Holdings. Bà Nghiêm Phương Nhi – Chủ tịch HĐQT của VFS, đồng thời là Chủ tịch của cả CTCP Quản lý quỹ Amber và CTCP Đầu tư Tài chính Hòa An, cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa các công ty trong hệ sinh thái Amber.

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần trở lên tại CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS). Nguồn: Dữ liệu cổ đông từ SSI iBoard.
Kế hoạch tăng vốn nghìn tỷ
Theo dõi diễn biến cho thấy nhịp tăng của cổ phiếu VFS xuất hiện trong bối cảnh công ty công bố thông tin tăng vốn. Cụ thể, teo Nghị quyết HĐQT ngày 10/06/2025, VFS sẽ phát hành gần 10,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 8%. Đây là lần chi trả cổ tức thứ hai kể từ khi công ty niêm yết.
Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng, được chi trả từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau đợt chi trả cổ tức, công ty sẽ tiếp tục chào bán 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong giai đoạn 2025 – 2026 với giá chào bán 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, một nửa sẽ bổ sung cho hoạt động tự doanh, phần còn lại dùng cho cho vay ký quỹ.
Với vốn điều lệ hiện tại khoảng 1.296 tỷ đồng, các đợt phát hành sẽ giúp nâng vốn điều lệ của VFS lên gần 2.600 tỷ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh công bố, VFS đặt mục tiêu doanh thu 515 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 75%, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, tăng 10% – phần lớn doanh thu đến từ hoạt động tự doanh (271 tỷ đồng) và cho vay ký quỹ (169 tỷ đồng).
Tính đến hết quý I/2025, công ty đã đạt lợi nhuận sau thuế gần 32 tỷ đồng, thực hiện 23% kế hoạch cả năm. Theo thống kê, thị giá cổ phiếu VFS từng có thời điểm giao dịch ở mức 27.000 đồng/cổ phiếu, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, với thanh khoản bình quân hơn 1,1 triệu cổ phiếu mỗi ngày.Cao