Chứng khoán

Cổ phiếu Apax Holdings (IBC) bất ngờ được “giải cứu” sau 26 phiên sàn, khớp lệnh kỷ lục 14% công ty

Sau hai phiên hồi phục, thị trường chứng khoán mở cửa phiên 29/12 với trạng thái tương đối thận trọng. Tuy nhiên dòng tiền chảy vào đã giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Loạt cổ phiếu tăng điểm tích cực tuy nhiên sự chú ý lại được đổ dồn về sắc tím ghi nhận tại cổ phiếu IBC của Apax Holdings . “Phi vụ giải cứu” cổ phiếu này giúp thị giá chấm dứt tình trạng nằm sàn 26 phiên liên tiếp.

Cụ thể, cũng giống như những phiên gần đây, IBC mở cửa phiên 29/12 vẫn nhanh chóng giảm sàn. Tuy nhiên, cầu bắt đáy cuối cùng đã xuất hiện để giải cứu, thậm chí còn nhanh chóng đẩy cổ phiếu này tăng trần lên 2.580 đồng/cp. Cập nhật đến 10h20p, IBC đã khớp lệnh hơn 11,5 triệu đơn vị, chiếm khoảng 14% tổng khối lượng lưu hành của công ty, cao nhất trong lịch sử niêm yết của mã chứng khoán này. Nếu xét theo lượng vốn được giao dịch trong một phiên, con số này cũng chỉ xếp sau lượng khớp lệnh hơn 42% công ty của cổ phiếu Hải Phát Invest (HPX) trong phiên 30/11 trước đó.

Dù tăng trần nhưng sau cú trượt dốc chưa từng thấy trong lịch sử niêm yết, thị giá cổ phiếu IBC đã “bốc hơi” hơn 85%, vốn hóa thị trường tương ứng bị thổi bay 1.100 tỷ đồng.

Cổ phiếu Apax Holdings (IBC) bất ngờ được “giải cứu” sau 26 phiên sàn, khớp lệnh kỷ lục 14% công ty - Ảnh 1.

Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) cũng lập thêm kỷ lục “buồn” khác khi có lần thứ 5 liên tiếp phải đưa ra văn bản giải trình cổ phiếu giảm sàn. Song, “điệp khúc” được lặp đi lặp lại khi cho biết nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn liên tiếp là do nhà đầu tư có vay ký quỹ/ thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra, Apax Holdings còn đưa ra thêm lý do khiến giá cổ phiếu IBC giảm sàn liên tiếp đến từ yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô.

Với việc cổ phiếu giảm sâu, Shark Thủy và công ty mẹ của Apax Holdings là CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup tiếp tục nhận tin không vui bị bị bán giải chấp cổ phiếu IBC. Liên tục trong ba ngày từ 20/12 - 22/12, ông Thủy bị Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp 113,8 nghìn cổ phiếu IBC, giảm sở hữu của ông Thủy xuống còn 6,58 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 7,913%. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục.

Song song, các ngày 16, 19, 20 và 21/12, Egroup cũng bị Chứng khoán Mirea Asset bán giải chấp 716,8 nghìn cổ phiếu IBC. BVSC cũng bán giải chấp 71,9 nghìn cổ phiếu IBC của Egroup trong ngày 19/12. Các giao dịch này đã đẩy sở hữu của Egroup tại Apax Holdings xuống còn 58,81%, tương đương 48,9% vốn điều lệ của IBC.

Đà lao dốc mạnh của cổ phiếu IBC diễn ra sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Trước đó, ngày 16/11/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Đến ngày 13/12, Apax Holdings đã có công văn gửi HoSE giải trình về các thông tin không mấy tích cực. Trong đó, giải đáp những bức xúc và phản ánh của các nhà đầu tư đã tham gia góp vốn vào hệ thống của Egroup, Chủ tịch Apax Holdings cho biết “Trước đây, chúng tôi có kế hoạch sẽ niêm yết Egroup lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó do điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có bán cổ phần để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Chúng tôi có cam kết sẽ định giá và mua lại khoản đầu tư đó hàng năm” .

Ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng nói thêm, mong mỏi nhất lúc này là nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng: “Chúng tôi nợ các phụ huynh một môi trường học tập như đã cam kết và vốn có trước đại dịch. Chúng tôi mong mỏi tất cả mọi người hãy giúp tôi, cho tôi cơ hội thực hiện được cam kết của mình” .

Cùng chuyên mục

Đọc thêm