Giá trị dinh dưỡng và tác dụng của nước mía
Mía chứa các hóa chất thực vật như axit phenolic, sterol, flavonoid, terpenoid glycoside, policosanol. Trong nước mía còn có các khoáng chất như kali, phốt pho, magie, canxi, sắt và các vitamin A, B, E. 100ml nước mía chứa 39 calo và 9g carbohydrate.
Mía có đặc tính sát trùng, làm mát, giảm viêm, giảm đau, lợi tiểu, tăng cường sức khỏe gan, giảm mức cholesterol, nhuận tràng.
Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Pharmeasy dẫn những tác dụng tiềm năng của nước mía theo lời khuyên của tiến sĩ Rajeev Singh (Ấn Độ):
Chống lại ung thư: Ung thư có thể là kết quả của tổn thương do các gốc tự do trong cơ thể gây ra. Nước mía chứa lượng lớn canxi, sắt, kali, magie, mangan và chất chống oxy hóa. Uống nước mía có thể cung cấp đủ chất chống oxy hóa và khoáng chất để loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, chống lại ung thư, đặc biệt là ung thư da, vú và tuyến tiền liệt.
Hỗ trợ điều trị táo bón: Nước mía có đặc tính nhuận tràng, hỗ trợ nhu động ruột khỏe mạnh, giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường và giảm bớt các vấn đề về dạ dày.

Nước mía tốt cho sức khoẻ nhưng không nên uống hàng ngày
Tốt cho gan: Uống nước mía có thể làm mát dạ dày và giảm bệnh vàng da. Ngoài ra, nước mía còn điều chỉnh nồng độ bilirubin trong gan, giảm áp lực và tăng cường chức năng của gan.
Tăng cường chức năng thận: Nước mía có đặc tính lợi tiểu, làm sạch và thông đường tiết niệu. Uống nước mía có thể giảm cảm giác nóng rát liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, mía chứa canxi, magie và sắt tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn.
Tuy nhiên, các tác dụng trên cần được nghiên cứu nhiều hơn để có các bằng chứng rõ ràng.
Có nên uống nước mía hàng ngày?
Báo VnExpess dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, nước mía rất ngọt. Đối với người có thể trạng bình thường, uống nhiều dễ dẫn đến tăng cân. Người có đường ruột yếu, hay đầy bụng và tiêu chảy cũng không nên sử dụng thường xuyên. Người có bệnh nền như tiểu đường, mỡ máu, gout cần hạn chế.
Nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu, không nên uống nước mía.
Mặt khác, uống nước mía vỉa hè có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng nước, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc.
Do đó, bạn không nên uống nước mía liên tục thay nước, nên luân phiên thay đổi bằng các nước hoa quả khác nhau như cam, ổi, chanh leo, dưa hấu. Bạn có thể thêm một chút muối vào đồ uống sẽ giúp tăng hương vị và bổ sung chất điện giải bị mất qua đổ mồ hôi.
Để đảm bảo sức khỏe, đơn giản nhất chỉ cần uống nước đun sôi để nguội, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường. Nhiều người không thích uống nước lọc vì chúng không có hương vị, có thể thêm vài lát chanh, dâu tây, dưa chuột, lá bạc hà vào bình nước.