Thời sự

Có nên hy sinh kiềm chế lạm phát để tập trung tăng trưởng GDP?

Sẽ không có chuyện hy sinh kiểm soát kinh tế vĩ mô để phục vụ mục tiêu tăng trưởng

Tại Toạ đàm Áp lực lạm phát năm 2022 và đề xuất chính sách do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) diễn ra sáng 16/9, vấn đề lạm phát và tăng trưởng lại được đưa lên bàn cân. Lạm phát được ví như là "ngáo ộp"với nền kinh tế và liệu có nên từ bỏ mục tiêu kiểm soát lạm phát để tập trung cho mục tiêu tăng trưởng GDP?

Phó Viện trưởng VEPRNguyễn Quốc Việt cho rằng cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát với các mục tiêu tăng trưởng là thách thức rất lớn đối với điều hành chính sách vĩ mô trong giai đoạn hiện nay. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là của nhiều quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

 Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm (Ảnh: Hạ An).

Theo TS. Cấn Văn Lực, quốc gia nào cũng muốn giữ được cả hai mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa tăng trưởng kinh tế. Ngay như Mỹ, họ cũng muốn kiểm soát lạm phát và giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Cho nên, mỗi quốc gia đều phải tìm ra điểm cân bằng để đạt cả 2 mục tiêu.

Ở Việt Nam, cái hay là chúng ta đang vừa kiếm soát được lạm phát vừa đạt mức tăng trưởng rất khả quan. Tuy nhiên, sắp tới vẫn có rất nhiều áp lực lạm phát, tỷ giá như việc Fed sắp tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên gây khó cho Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ, TS. Lực phân tích.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam. Kể từ giai đoạn 2006-2007, cái giá phải trả cho việc mất ổn định kinh tế vĩ mô chúng ta đều đã thấy rõ. Vì vậy, sẽ không có chuyện hy sinh kiểm soát kinh tế vĩ mô để phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Ông Ánh cũng lưu ý thêm, lạm phát chỉ là một trong những yếu tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải toàn bộ, do đó cần nghiên cứu thêm cả các yếu tố khác có thể tác động đến nền kinh tế chung.

Phân tích thêm về các động thái của Việt Nam trước áp lực lạm phát, ông Việt cho biết, trong năm nay, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới: sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện miễn, giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu, chiến lược, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. 

Xuất khẩu cũng đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng, ông Việt chỉ ra. 

 

Lạm phát Việt Nam năm 2022 được dự báo ở mức 3,5-3,8% và còn dư địa cho điều chỉnh chính sách kích thích phục hồi kinh tế 

Trước những thách thức trên, theo Viện phó VEPR, bên cạnh việc kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát thì cũng phải cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Cũng như, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường (cả cung và cầu) cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Cần tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc về môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về thiếu lao động hoặc các yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng. Về công tác dự báo và đánh giá chính sách, VEPR kiến nghị cần làm thường xuyên và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa. 

Việt Nam phải cố gắng giữ giá tiền đồng

Theo các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải cố gắng duy trì sức mạnh đồng Việt Nam so với USD, bên cạnh việc hỗ trợ đảm bảo kìm chế lạm phát.

NHNN đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay. Hiện dự trữ ngoại hối còn khoảng 97,7 tỷ USD, con số này giảm đáng kể so với mức kỷ lục 110 tỷ USD (theo HSBC) đạt được trước đó.

So sánh tỷ giá đồng nội tệ so với USD của một số nước khu vực ASEAN +3 Với những động thái can thiệp mạnh mẽ của NHNN, VND nhìn chung vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Đồng tiền Việt Nam trong thời gian qua còn được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ cán cân thượng mại liên tục ở mức thặng dư khá cao những tháng vừa qua và đã lên tới 5,49 tỷ trên tổng giá trị xuất nhập khẩu 499,7 tỷ USD vào tháng 8/2022.

Tỷ giá VND với USD so sánh với các nước trong khu vực ASEAN+3 (Nguồn: VEPR).

Với chính sách tiền tệ linh hoạt từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng tiền Việt nam với USD là tương đối ổn định so sánh với các nước trong khu vực ASEAN+3.Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia chạy đua tăng lãi suất, đặc biệt sắp tới Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá. Đây là thách thức rất lớn với việc điều hành tỷ giá trong thời gian tới.

Trong quý III, tất cả lãi suất điều hành, tín phiếu, OMO đều đang được đẩy lên rất cao làm chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại bị đội lên khiến cho các ngân hàng phải gia tăng lãi suất huy động để có thêm vốn.

Ngày 7/9/2022, lãi suất tín phiếu đã tăng mạnh lên 4% (đầu tháng 9 là 2.5%) cùng với đó, số lượng tín phiếu vẫn bán ra ồ ạt với lãi suất cao. Đây được coi là tín hiệu điều hành tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (SBV) nhằm chống lạm phát là rất rõ ràng. 

Do đó, điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm