Công trường với các trang thiết bị để phục vụ việc xây lắp - Ảnh: MINH CHIẾN
Ăn ngủ tại chân công trình
Ông Nguyễn Trọng Hùng - cán bộ kỹ thuật phụ trách trực tiếp việc xây dựng trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối (thuộc Công ty cổ phần ALPHANAM E&C) - cho hay đơn vị vẫn đang kiểm soát tiến độ dự án như chủ đầu tư đề ra. Hiện đơn vị đang hoàn thiện mặt bằng, đậy các tấm đan mương cáp, đấu nối cáp nhị thứ, nhất thứ… và nhà điều khiển.
"Theo kế hoạch sẽ đóng điện tối thiểu vào tháng 10 và hoàn tất bàn giao công trình vào tháng 12. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên chúng tôi đều làm hết sức mình. Ngày nắng, anh em thường làm từ 6h sáng đến 8h tối để bù cho những hôm mưa gió. Anh em đều ở xa, nhiều tháng nay không về nhà nên tất cả ở lại tập trung cho công việc", ông Hùng nói.
Đối với nhánh dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đơn vị thi công đã hoàn thành 90% phần dựng cột, kéo dây hoàn thành 23km và đang tổ chức kéo 60km dây trong tổng số 156km.
Nhằm hạn chế tối đa những hư hại không đáng có như cây cối, nhà cửa của người dân trong quá trình thi công, các nhà thầu đã sử dụng thiết bị bay flycam để kéo dây mồi, sau đó dựng giàn giáo kéo dây trên không.
Một nhóm công nhân lắp tủ máy cắt 220kV - Ảnh: MINH CHIẾN
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), để đảm bảo tiến độ, các đơn vị đã huy động hơn 1.500 cán bộ, công nhân trực tiếp trên công trường để tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn cuối.
Hiện trạm 500kV Vân Phong đã hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị nhất thứ, đấu nối xong mạch điều khiển bảo vệ trừ máy biến áp và sẽ bàn giao vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 này. Đơn vị thí nghiệm cũng đã triển khai các công tác thí nghiệm hiệu chỉnh các thiết bị.
Các mạch điện liên quan đến máy biến áp đã được kéo chờ sẵn, khi máy về sẽ tiến hành lắp đặt ngay, thời gian dự kiến thi công 20 ngày, phần đường dây đã cơ bản hoàn thành công tác dựng cột, đã triển khai kéo dây trên 70%, hoàn thành kéo dây khoảng 50%. Tất cả đang phấn đấu để đóng điện vào cuối tháng 11-2022, đại diện chủ dự án cho biết.
Tháo gỡ những khó khăn
Tuy nhiên, theo nhận định của CPMB, bên cạnh những kết quả tích cực thì dự án vẫn gặp không ít khó khăn do thời tiết. Hiện khu vực Khánh Hòa và Ninh Thuận đã bắt đầu chuyển qua mùa mưa, xuất hiện nhiều trận mưa lớn, kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.
Các công nhân lắp dao cách ly 500kV - Ảnh: MINH CHIẾN
"Chưa kể các vị trí móng cột, đường dây đi trên khu vực đồi núi cao, nhiều vị trí đường công vụ đều đi qua khe suối, núi đá nên khi mưa lớn sẽ dẫn tới hư hỏng, sạt lở, do vậy mất nhiều thời gian để khắc phục", ông Trần Văn Thành - cán bộ kỹ thuật (Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung) cho hay.
Với khu vực xây dựng trạm biến áp hiện nay do các thiết bị lắp ở ngoài trời, nên nếu trời mưa buộc phải ngừng thi công để ngăn không cho nước xâm nhập vào mạch điện. Hiện đơn vị thi công cơ bản đã hoàn thành phần đúc móng. Sau đó sẽ thực hiện vận chuyển vật tư, thiết bị vào vị trí để sẵn sàng các bước tiếp theo", ông Thành thông tin.
Riêng đối với máy biến áp 500kV hiện tại tất cả thân máy và phụ kiện đã di chuyển từ nhà máy Trùng Khánh đến Thượng Hải (Trung Quốc) và sẽ vận chuyển bằng tàu thủy về cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa) trong khoảng cuối tháng 9-2022. Hiện CPMB đã lập sẵn phương án và kế hoạch chi tiết cho công tác thi công lắp đặt ngay khi thiết bị cập cảng.
Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong hoàn tất hơn 80%
Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong (xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được Công ty TNHH Điện lực Vân Phong đầu tư xây dựng và phát triển theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 2,58 tỉ USD. Sau 3 năm khởi công, đến cuối tháng 8-2022, dự án đạt tiến độ trên 80%.
Hiện tại dự án có sự đóng góp của gần 5.000 lao động đang có mặt, trong đó có khoảng 290 chuyên gia nước ngoài. Mục tiêu của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 sẽ đi vào khai thác thương mại cuối năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Nhà máy được thiết kế với công suất 1.320MW.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 8,5 tỉ kWh mỗi năm, chiếm 4% tổng sản lượng điện quốc gia. Lượng điện năng này được truyền tải thông qua đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân do EVN làm chủ đầu tư.
Tất cả công nhân, kỹ sư đều nỗ lực để hoàn thành dự án trước tháng 12 - Ảnh: MINH CHIẾN