Theo báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2022 của Chứng khoán Dầu khí, bối cảnh “bóng ma” đình lạm (Stagflation) - một trạng thái kinh tế hiếm hoi với sự kết hợp giữa cả lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp đe dọa các khu vực kinh tế trụ cột của thế giới là Mỹ và EU, áp lực điều chỉnh cũng như rủi ro trên thị trường tài chính ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, là một quốc gia sản xuất và gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới với khả năng tự sản xuất được đa phần hàng hóa thiết yếu, Việt Nam sẽ hạn chế được việc phải nhập khẩu lạm phát từ thế giới.
Các nhà phân tích của PSI dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những nhịp điều chỉnh chung theo thị trường thế giới tuy nhiên sẽ tích lũy phục hồi sau đó, với kịch bản cơ bản VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng điểm 1.165 - 1.365 với mức P/E forward tương ứng từ 11,4 đến 13,3.
Theo các chuyên gia, cơ hội đầu tư trong nửa cuối năm 2022 sẽ đến từ nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề phòng thủ như nhóm ngành năng lượng, tiêu dùng với đặc tính thiết yếu, ít biến động so với chu kỳ kinh tế và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát gồm dầu khí, điện và phân bón.
Dầu khí: Giá dầu tiếp tục neo cao từ sự thiếu hụt nguồn cung
Nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo tăng trưởng chậm lại trong các quý tới trước bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ dầu phụ thuộc bởi các hoạt động sản xuất và vận tải, do đó phụ thuộc lớn vào triển vọng nền kinh tế thế giới, tuy nhiên, mới đây IMF đã hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới 2022 từ 4,1% xuống còn 3,6% cho năm 2022.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thực hiện tái phong tỏa tại các thành phố lớn như Thượng Hải có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ khi mà Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (chiếm 14 - 15% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu).
Giá dầu tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng sau những đợt điều chỉnh do tác động từ xung đột giữa Nga – Ukraine và chiến dịch “Zero Covid” tại Trung Quốc. Đã có thời điểm giá dầu lập kỷ lục, vượt mức đỉnh 7 năm, đạt 131 USD/thùng.
Theo dự báo của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) giá dầu có thể “hạ nhiệt” dần về cuối năm, tuy nhiên giá dầu được dự báo vẫn sẽ neo ở mức cao với giá dầu trung bình cả năm 2022 dự báo đạt 107 USD/thùng với dầu Brent, bởi nguồn cung từ Nga có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và nguồn “xả kho” của IEA và Mỹ, cùng với chính sách thận trọng từ OPEC là không đủ để bù đắp thiếu hụt từ biến động nguồn cung từ Nga.
Giá dầu duy trì mức cao sẽ là động lực với ngành dầu khí trong nước đặc biệt với các nhóm khai thác, thăm dò, phân phối và chế biến dầu khí.
Ngành phân bón hưởng lợi từ giá phân bón thế giới tăng mạnh
Nguồn cung khan hiếm do đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu khiến giá phân bón tăng mạnh. Cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga – hai trong số ba quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới, ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát.
Sản lượng sản xuất của Nga chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Việc các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga trực tiếp khiến cho giá phân bón thế giới biến động mạnh. Giá phân bón cũng cao hơn 40% so với thời điểm một tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.
Đối với thị trường trong nước, giá phân bón liên tục tăng trong 2 năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao, là mức giá người nông dân khó chấp nhận khi mà giá lương thực thực phẩm tăng không tương xứng.
Trong quý I/2022, tổng sản lượng tiêu thụ không đổi so với cùng kỳ năm trước trong khi sản lượng xuất khẩu đạt 510.000 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ và tăng 31% so với quý IV/2021. Mức xuất khẩu quý I/2022 tương đương 44% và 40% sản lượng xuất khẩu trong năm 2020 và năm 2021.
Ngành điện phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Sản lượng điện năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 8,2 – 12,4%. Tính đến hết tháng 5/2022, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc đạt 95,31 tỷ kWh, tăng 5,3% so với cùng kỳ trong bối cảnh chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng 10,37% so với cùng kỳ năm 2021.
PSI kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn trong thời gian tới do nền kinh tế phục hồi tích cực sau dịch bệnh COVID-19.
Thủy điện là điểm sáng cho năm 2022: Sản lượng thủy điện tính từ đầu năm 2022 đạt 85,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Từ quý II/2022 trở đi, bắt đầu vào mùa phát điện của thủy điện và mùa mưa năm 2022 đến sớm. Theo các mô hình dự báo của Viện nghiên cứu quốc tế (IRI), hiện tượng La Nina có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2022.
Dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cũng cho thấy lượng mưa phổ biến trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm. Do đó, doanh thu của các nhà máy thủy điện sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022.
Nhiệt điện có thể bị giảm huy động: Từ đầu năm 2022, giá khí và giá than thế giới tăng lần lượt 40% và 47%, khiến cho giá khí đầu vào tại nhà máy điện khí cũng tăng 21% và gây ra tình trạng thiếu than nhập khẩu. Theo đó, tổng sản lượng nhiệt điện huy động tính đến hết tháng 4/2022 chiếm 57,8% toàn hệ thống, giảm 15,6%. PSI cho rằng nếu giá nguyên liệu tiếp tục neo cao sẽ tạo áp lực lớn lên giá bán điện cho EVN và có thể khiến sản lượng nhiệt điện được huy động giảm trong thời gian tới.
Năng lượng tái tạo đóng góp lớn vào sản lượng điện toàn hệ thống: Do nhiệt điện bị giảm huy động từ đầu năm nên EVN phải tăng huy động từ năng lượng tái tạo, đạt 13,15 tỷ kWh, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, năng lượng tái tạo không còn tăng trưởng đột biến như các năm trước do cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực và chưa có cơ chế mới thay thế nên không có cơ sở để triển khai các dự án mới.
Từ các luận điểm trên, danh mục khuyến nghị đầu từ của PSI gọi tên 5 cổ phiếu là GAS, PVS, PVT, DCM vầ POW.