Cơ hội lớn từ nâng hạng thị trường và dòng vốn quốc tế
Theo các chuyên gia, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi sẽ là một bước ngoặt quan trọng giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư dài hạn.
Ông Chu Ka Kit, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Yuanta Hồng Kông, cho rằng Việt Nam đang có hiệu suất thị trường ấn tượng trong khu vực, tuy nhiên để phát triển lên một tầm caomới, cần giải quyết nhiều vấn đề căn cơ.
Một trong những điểm đáng lưu ý là tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường vẫn còn quá lớn, chiếm khoảng 90%. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, sự hiện diện mạnh mẽ của nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong việc ổn định thị trường và nâng cao chất lượng đầu tư.
Theo ông, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước.
Ngoài ra, danh mục ngành niêm yết trên thị trường hiện vẫn thiên lệch, tập trung vào các nhóm ngành truyền thống như tài chính và bất động sản.
Các chuyên gia cho rằng để hấp dẫn dòng vốn quốc tế, Việt Nam cần đa dạng hóa ngành nghề, tăng tỷ trọng các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng tái tạo, tiện ích – những ngành được ưa chuộng tại các thị trường như Hồng Kông hay Mỹ.

Hội thảo đầu tư mới đây với chủ đề “From Asia to Vietnam - Kết nối tầm nhìn châu Á, Tạo lập Kỷ nguyên Thịnh vượng” do Yuanta tổ chức. (Ảnh:. X.N).
Định giá hấp dẫn, còn nhiều dư địa tăng trưởng
Dẫn chứng thêm về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, ông Chu Ka Kit đưa ra so sánh về chỉ số PEG (tỷ lệ P/E trên tốc độ tăng trưởng EPS) giữa các thị trường.
Trong khi các thị trường phát triển như Hồng Kông (Trung Quốc), Tokyo hay Mỹ có chỉ số PEG dao động từ 1,1 đến 1,9 (trung bình 1,5), thì ở Việt Nam chỉ khoảng 0,4 – mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tìm kiếm tăng trưởng dài hạn.
Ông cho rằng để tận dụng lợi thế này, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng quy mô thị trường, nâng cao chuẩn mực minh bạch tài chính và đặc biệt chú trọng các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) – những tiêu chí ngày càng được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm và xem là điều kiện cần để quyết định phân bổ vốn.
Thị trường dao động ngắn hạn, nhà đầu tư cần giữ vững chiến lược
Bên cạnh những cơ hội dài hạn, các chuyên gia cũng nhận định thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động trong ngắn hạn.
Ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu tại Yuanta Việt Nam, cho rằng trong vài tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu nhiều tác động, đặc biệt từ thông tin liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.
Dù vậy, ông cho rằng thị trường Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định tương đối nếu so sánh với một số thị trường khác như Mỹ.
Với tình hình hiện tại, ông nhận định chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.200 – 1.300 điểm từ nay đến ngày 9/7, thời điểm kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Trong giai đoạn này, thanh khoản có thể không cao và thị trường sẽ khó có đột phá. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên nhẫn, giữ tâm lý ổn định và không nên hành động vội vàng.
“Với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đây là thời điểm phù hợp để xem xét tích lũy cổ phiếu chất lượng đã về vùng giá hấp dẫn. Tuy nhiên, cần phân bổ với tỉ trọng hợp lý và có chiến lược cụ thể”, ông Matthew Smith nói.
Chiến lược “phòng thủ” trong quý II và chuẩn bị cho chu kỳ mới
Cùng quan điểm thận trọng, ông Yen Chen-Hui, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Yuanta (YIC), cho rằng quý II năm nay là thời điểm mang tính bất định cao và đòi hỏi nhà đầu tư phải quản lý danh mục một cách chủ động và linh hoạt.
Theo ông, điều quan trọng nhất là “sống sót qua quý II” và giữ được lượng tiền mặt đủ lớn để có thể tham gia thị trường khi cơ hội thực sự xuất hiện.
Ông gợi ý rằng danh mục đầu tư trong giai đoạn hiện nay nên có ít nhất 50% được phân bổ vào các tài sản an toàn như tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu hoặc vàng.
Đồng thời, ông nhấn mạnh lại triết lý đầu tư nổi tiếng: “Tham lam khi người khác sợ hãi”, nhưng cũng đặt câu hỏi rằng: “Tham lam thế nào cho đúng?”. Theo ông, đây không phải lúc để mạo hiểm quá mức, mà là thời điểm để chuẩn bị kỹ lưỡng.
Sức hút từ các nhà đầu tư quốc tế: Việt Nam vẫn là điểm đến sáng giá
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Hàn Quốc và Thái Lan cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam tiếp tục là điểm đến được ưa chuộng trong chiến lược phân bổ vốn khu vực. Ông Min Byungkyu, chuyên gia từng nhiều năm làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc, cho biết, giới đầu tư xứ kim chi quan tâm đặc biệt tới các doanh nghiệp lớn như Vingroup, SSI, Masan, Bảo Việt, Petrolimex…
Tương tự, ông Jaruchart Buchachart, đại diện từ thị trường Thái Lan, cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Thái Lan khiến dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển mạnh sang Việt Nam – nơi có tốc độ tăng trưởng cao và đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều tập đoàn lớn của Thái như CP, KBank, Central Pattana, Charoen Pokphand… cũng đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Thái Lan tỏ ra đặc biệt quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, dịch vụ công nghệ thông tin và giáo dục. Những cái tên tiêu biểu được nhắc đến bao gồm Vietcombank, FPT, Thế Giới Di Động – các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực của mình và có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Một số doanh nghiệp tiêu biểu được nhà đầu tư Thái Lan quan tâm. (Nguồn: Chứng khoán Yuanta).
Hệ thống giao dịch mới – động lực kỹ thuật cho thị trường
Một yếu tố hạ tầng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ quá trình nâng hạng thị trường là việc vận hành hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Các chuyên gia nhận định hệ thống này không chỉ giúp giải quyết tình trạng nghẽn lệnh như đã từng xảy ra trước đây, mà còn mở ra nhiều tính năng mới như giao dịch T+0, bán khống, giao dịch phái sinh và cải thiện khả năng giám sát thị trường.