Bạn sẽ làm gì nếu ôm trong mình khoản nợ lên đến 7 tỷ?
Đa phần mọi người đều lựa chọn phương pháp bán sống bán chết kiếm thêm tiền hoặc tiết kiệm tối đa, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc để trả nợ . Thế nhưng, việc đơn giản và ưu tiên hàng đầu nếu bạn muốn trả được nợ trong thời gian ngắn là phải lên kế hoạch, quản lý chi tiêu của mình cho thật tốt.
Là một chuyên viên huấn luyện tài chính và founder tổ chức "Crush Your Money Goals" Bernadette Joy và chồng mang trong mình khoản nợ 300.000 đô (gần 7 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm nợ sinh viên, tiền mua nhà và vay mượn ngân hàng. Thế nhưng chỉ trong 3 năm cặp vợ chồng trẻ đã trả sạch số nợ trên.
"3 năm qua vợ chồng tôi đã không chạy theo những thứ phù phiếm, bỏ qua việc mua sắm bốc đồng hay những món đồ không cần đến, chỉ sử dụng được thời gian ngắn" - Bernadette Joy chia sẻ.
Dưới đây là 3 quy tắc giúp Bernadette Joy nhận biết đâu là món đồ nên xuống tiền và món đồ nào là không cần thiết phải mua.
Quy tắc 1 đô ($1)
"Quy tắc $1 (khoảng gần 23 ngàn đồng) rất đơn giản. Khi muốn mua một món đồ, hãy cân nhắc xem bạn sẽ dùng nó được bao nhiêu lần. Nếu một món chỉ tiêu tốn của bản khoảng $1 hoặc rẻ hơn cho mỗi lần sử dụng cứ cho phép bản thân mua nó. Quy tắc này giúp bạn không lãng phí tiền cho những thứ không cần thiết hay những cuộc mua sắm tùy theo tâm trạng" - Bernadette Joy giải thích. Nhờ áp dụng triệt để quy tắc này, cô đã hạn chế mua được việc mua những món đồ dễ hỏng chỉ sau vài lần sử dụng, chọn mua những món đồ chất lượng và có giá trị dài lâu.
Thực tế, quy tắc trên là một cách khôn ngoan để tránh được bẫy tâm lý "mỏ neo" (anchoring effect) của các nhà bán. Hiệu ứng tâm lý "mỏ neo" khiến dân tình bị ảnh hưởng bởi thông tin đầu tiên mà họ biết được, làm họ đưa ra những quyết định sai lầm trong mua sắm . Ví dụ như một chiếc váy có giá 1 triệu nay được giảm còn 750k, dân tình sẽ lập tức đắn đo muốn mua dù không cần đến vì luôn nhớ đến con số 1 triệu bạn đầu và cảm thấy đây là một món hời không thể bỏ lỡ.
Quy tắc 80/20
Tương tự như quy tắc $1, quy tắc 80/20 là một cách khác để bạn suy nghĩ có nên mua 1 món đồ không.
Hãy mua nó nếu bạn tin rằng mình sẽ thường xuyên dùng nó (khoảng 80% thời gian cuộc sống hằng ngày). Còn nếu chỉ sử dụng món đồ đó rất ít (khoảng 20% thời gian cuộc sống hằng ngày), thì bạn nên cân nhắc trước khi mua. Tương tự với những món đồ khác, bạn đều có thể xem xét về thời gian mình sẽ dành ra để sử dụng chúng, sau đó quyết định liệu chúng có đáng mua hay không. Tùy thuộc theo tiện ích của món đồ, con số không nhất thiết phải cố định là 80/20 mà có thể là 70/30 hay 60/40.
Bernadette Joy tâm sự: "Tôi thường than vãn với chồng về chuyện trót mua điện thoại, laptop mới và cảm thấy tốn kém. Song, khi nghĩ lại tôi nhận ra ngày nào tôi cũng cần đến 2 món đồ này, đây là những thứ cần thiết cho công việc và cuộc sống hằng ngày. Điều đó khiến tôi đỡ hối hận hơn rất nhiều".
Chỉ mua những thứ bạn "thực sự thích"
Lời khuyên cuối cùng của Bernadette Joy là hãy luôn nhớ, hạn chế chi tiêu không đồng nghĩa với việc hạn chế niềm vui của bản thân: "Đừng tước đi những thứ thực sự mang lại hạnh phúc cho chính mình. Dù có đong đếm từng đồng hay tự phạt bản thân thì tôi cũng không muốn chi tiêu ít đi".
Thay vào đó, Bernadette Joy và chồng chọn cách chi tiền mua sắm những thứ khiến họ thật sự hài lòng và thật sự yêu thích. Cô nói: "Chúng tôi cũng đã dần kiên định hơn về việc mua sắm và biết đâu là những thứ mình yêu thích thật sự".
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: CNBC