Bạn đã từng nghe đến nghề làm phù dâu chưa?
Mới đây, tờ CCTV của Trung Quốc đã đưa tin cô gái sinh năm 2000 ở Chiết Giang đã tham gia 41 hôn lễ trong vòng 2 năm, hầu như là đi khắp các tỉnh thành lớn trong nước. Sau đó, cô gái trẻ một tay tạo dựng cơ ngơi cho riêng mình bằng ngành nghề hoàn toàn mới: Nghề làm phù dâu thuê.
Cô gái này có tên Tạ Vũ Khoa.
Tạ Vũ Khoa.
Từ năm 2020 đến năm 2022, 2 năm trải nghiệm này cứ như một giấc mơ đối với Tạ Vũ Khoa.
Khởi nghiệp bôn ba vào Nam ra Bắc, đến nay sự nghiệp đã ổn định, độc lập kinh tế, trở thành bà chủ quản lý hơn 50.000 nhân công, con đường làm nghề phù dâu của cô gái trẻ càng ngày càng phát triển rực rỡ.
Nhiều người khâm phục và ngưỡng mộ trước đầu óc kinh doanh của Tạ Vũ Khoa, nhưng cũng không ít người khinh thường ngành nghề cô đang làm.
Người ta cảm thấy sự xuất hiện của nghề làm phù dâu khiến chuyện hôn nhân đại sự như một trò chơi, buổi hôn lễ quan trọng bị mất chất.
Đối diện với dư luận trái chiều, Tạ Vũ Khoa chỉ thản nhiên nói: “Hôn nhân là quá trình thuận theo tự nhiên. Chúng tôi chỉ là đang giúp các buổi tiệc đám cưới thêm phần đặc sắc mà thôi”.
Cơ duyên đến với nghề làm phù dâu thuê
Tháng 6/2020, Tạ Vũ Khoa đang là sinh viên năm 2 của trường đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam ở thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Giáo trình năm 2 khá ít, Tạ Vũ Khoa cảm thấy thay vì rảnh rỗi ngồi không thì nên làm việc gì đó để kiếm thêm thu nhập.
Bạn bè nghe thấy ý định của Tạ Vũ Khoa thì cười đùa: “Nếu đã muốn đi làm như thế thì tớ giới thiệu cho cậu một công việc này. Chỉ là cậu có dám làm không thôi!”.
Tạ Vũ Khoa liền hỏi: “Việc gì thế?”.
Người bạn thích chí nói: “Làm phù dâu, chủ yếu phối hợp với nhà trai hoặc nhà gái để rước dâu và chơi trò chơi trong hôn lễ, đến tiệc đám cưới thì trao hộp nhẫn, cùng đi chúc rượu”.
Tạ Vũ Khoa nghe vậy thì cười khẩy, trong lòng thầm nghĩ: Phù dâu thôi mà? Có gì mà không dám. Lúc trước mình đã từng làm phù dâu cho họ hàng rồi!
Thế là người bạn kia đã cho Tạ Vũ Khoa số điện thoại của cô dâu chuẩn bị tổ chức đám cưới.
Tạ Vũ Khoa làm phù dâu bên phải ngoài cùng.
Tạ Vũ Khoa bản tính hoạt bát, cởi mở nên chỉ sau một lúc trao đổi, cô dâu rất vừa ý phù dâu này. Thế là đôi bên đã thỏa thuận: Tiền lương cho một ngày làm phù dâu là 1.000 NDT (gần 3,5 triệu đồng).
“Đây là lần đầu tiên tôi kiếm tiền bằng việc làm phù dâu. Cô dâu và chú rể đều là người rất dễ thương, giúp tôi bớt căng thẳng”, Tạ Vũ Khoa vui vẻ kể lại.
Hôn lễ kết thúc, cô dâu còn dúi vào tay Tạ Vũ Khoa hồng bao 600 NDT (hơn 2 triệu đồng). Như vậy, lần đi làm phù dâu đầu tiên, cô gái kiếm được tổng cộng 1.600 NDT (hơn 5,5 triệu đồng).
Một ngày kiếm được chừng ấy tiền khiến một sinh viên năm 2 như Tạ Vũ Khoa cảm thấy mở ra một chân trời mới.
Tạ Vũ Khoa tự nhủ: Công việc này kiếm tiền nhanh quá. Nếu mình tiếp tục làm thì có khi lại phát tài!
Kết quả sau đó đã chứng minh, suy nghĩ của cô là đúng.
Không phải cuộc hôn nhân nào cũng giống nhau
Chú rể đến rước dâu, dàn phù dâu phụ trách "chặn cửa".
Khi Tạ Vũ Khoa chia sẻ chuyện làm công việc phù dâu với mẹ, bà đã phản đối kịch liệt: “Không được! Làm phù dâu nhiều, sau này không thể lấy chồng. Mẹ không cho phép”.
Tạ Vũ Khoa cảm thấy bản thân đã là người trưởng thành, phải có trách nhiệm gánh chịu mọi hậu quả. Hơn nữa, chứng kiến người khác hạnh phúc mới có thêm niềm tin vào cuộc sống hôn nhân tương lai. Do đó, cô gái đã bác bỏ quan niệm truyền thống của mẹ.
Trong thời gian học tập ở trường, Tạ Vũ Khoa giấu giếm bố mẹ tiếp tục đi làm phù dâu thuê.
Dấn thân vào nghề làm phù dâu, cô gái mới biết không chỉ ăn vận xinh đẹp, ăn uống mời rượu là xong. Nghề này đòi hỏi phải biết cách chăm sóc cô dâu và các phù dâu khác, sắp xếp lịch trình mà người tổ chức hôn lễ không hiểu biết. Ngoài ra, còn phải phụ trách tạo không khí náo nhiệt, xử lý những tình huống đột ngột phát sinh.
Đầu năm nay, Tạ Vũ Khoa gặp một tình huống bất ngờ trong lúc đang làm phù dâu trong hôn lễ.
Khiêng kiệu rước dâu trong đám cưới nông thôn Trung Quốc.
Giày hoa, mũ phụng và trang sức của cô dâu.
Trước ngày đám cưới diễn ra, cô dâu đột nhiên không muốn cưới nữa.
Cô và chồng quen nhau nhờ một cuộc xem mắt. Dưới áp lực của bố mẹ hối thúc, hai người cảm thấy phù hợp và đồng ý kết hôn.
Yêu đương 2 năm, mặc dù ở cùng một thành phố nhưng tần suất gặp nhau không được bao nhiêu lần. Do đó, trước ngày kết hôn, cô dâu đã phát sinh tâm lý hoảng sợ.
Tạ Vũ Khoa cho rằng đây là nỗi lo sợ trước hôn nhân nên vừa an ủi vừa khuyên cô dâu chia sẻ chuyện này với chú rể.
Chú rể biết cô dâu không có cảm giác an toàn nên đã tự trách: “Đều tại anh! Bình thường anh chỉ biết đến công việc nên đã không quan tâm đến cảm nhận của em”. Anh bảo đảm với cô dâu về sau sẽ dành thời gian bên cô hơn. Nhờ thế mà hôn lễ mới hoàn thành thuận lợi.
Cũng nhờ công việc này, Tạ Vũ Khoa mới biết, thì ra không phải cặp vợ chồng nào cũng cưới nhau vì tình yêu.
Trong các hôn lễ mà cô tham gia làm phù dâu, có chú rể lớn hơn cô dâu tận 20 tuổi; có cô dâu còn mang bụng bầu tổ chức đám cưới; còn có nữ livestream cưới chàng trai “fan cứng” của mình…
Tạ Vũ Khoa cảm thán: “Cuộc sống hôn nhân đời thực lúc nào cũng đầy drama, đặc sắc hơn phim ảnh”.
Trở thành bà chủ của công ty và ứng dụng cho thuê phù dâu phù rể
Tạ Vũ Khoa chọn váy cho phù dâu.
Nhiều số liệu thống kê cho thấy, những năm trở lại đây, độ tuổi đăng ký kết hôn ở Trung Quốc ngày một cao, thanh niên trẻ đang có xu hướng kết hôn muộn hơn, thậm chí không ít người còn theo đuổi chủ nghĩa độc thân. Song, Trung Quốc là đất nước tỷ dân và hôn nhân là điều không thể thiếu trong xã hội. Thị trường phù dâu vẫn có tiền đồ vô cùng xán lạn.
Hai năm làm nghề phù dâu, Tạ Vũ Khoa tham dự hơn mấy chục hôn lễ, vô cùng quen thuộc với nghề này.
“Nghề làm phù dâu không xem là công việc ổn định, nhưng với xu thế hiện tại thì rất có tương lai”.
Tháng 2/2022, Tạ Vũ Khoa thành lập công ty cung cấp dịch vụ cho thuê phù dâu phù rể.
Tháng 7/2022, Tạ Vũ Khoa chính thức cho ra mắt ứng dụng “Phù dâu phù rể thuê”, hiện tại đã có 59.000 tài khoản đăng ký. Thời điểm này, cô chỉ mới tốt nghiệp đại học.
Hôn lễ hoàn thành, Tạ Vũ Khoa tranh thủ ngủ bù trên xe.
Tạ Vũ Khoa phân phù dâu phù rể thành 3 cấp:
Cấp A: Biết nhảy múa, ca hát và biểu diễn trong tiệc đám cưới.
Cấp B: Có kinh nghiệm làm phù dâu.
Cấp C: Làm công tác hậu cần giúp đỡ thực hiện quy trình hôn lễ.
Đương nhiên, mỗi cấp sẽ có phí dịch vụ khác nhau. Thông thường, mỗi phù dâu hoặc phù rể sẽ nhận được 400 NDT (hơn 1,3 triệu đồng) cho một buổi hôn lễ.
Song, bất kể cấp độ nào, nhân viên phải ghi nhớ một nguyên tắc: Không được nói mình là người được thuê đến.
Tạ Vũ Khoa (bên trái) cùng một phù dâu khác đang chỉnh sửa trang phục cho cô dâu.
Đến hiện tại, ứng dụng phù dâu của Tạ Vũ Khoa đã “lót vải thêu hoa” cho hơn 1.000 đám cưới. Ngoài ra, cô còn trở thành gương mặt được biểu dương trong buổi lễ lớn ở trường đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam.
Không biết nghề làm phù dâu này có thể tồn tại được bao lâu, nhưng Tạ Vũ Khoa vẫn đang không ngừng cố gắng, tiếp tục mở rộng sự nghiệp của mình.
Bản thân Tạ Vũ Khoa cũng chỉ là sinh viên mới ra trường, phía trước còn nhiều sóng gió và cơ hội, cô sẵn sàng tiếp nhận những cuộc thay đổi, dù tốt hay xấu.
(Nguồn: Zhihu)