Quãng thời gian vật vã vì trầm cảm
Huỳnh Lê Vân Lam (sinh năm 1992) là con gái út trong gia đình có 3 anh chị em ở Đồng Tháp. Dù gia đình làm vườn nhưng lúc còn ở quê, Lam chưa từng phải động vào bất cứ công việc nặng nhọc nào. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô lên TP.HCM sinh sống và làm việc khoảng 10 năm.
Vân Lam
Trong thời gian này, Lam có cuộc sống của một nhân viên văn phòng bình thường, ngày đi làm 8 tiếng, cuối tuần đi chơi đâu đó cùng bạn bè. Nhưng mọi thứ vốn không đơn giản như vẻ bề ngoài, sâu thẳm bên trong đó là một tâm hồn vụn vỡ.
"Khoảng thời gian đó Lam không biết mình là ai, không có định hướng tương lai, không biết làm được điều gì và không biết mình thích cái gì, cứ loay hoay mãi. Sau khi kết hôn, Lam tiếp tục có những dấu hiệu trầm cảm, những bất thường nên chủ động thay đổi như đi học lớp hôn nhân gia đình, các lớp phát triển bản thân, tham gia khóa thiền,..."
Tình hình không được cải thiện, cảm xúc tiêu cực của Lam vẫn rất nhiều với những hành động vô thức, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ăn uống,... Thậm chí cô còn tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ và uống thuốc nhưng không hiệu quả. Cuối cùng Lam chọn cách rời bỏ phố thị để lên Đà Lạt, đi tìm lại bản thân. Thời điểm Lam mới lên Đà Lạt cũng là lúc cuộc hôn nhân kết thúc trong sự tiếc nuối của cả hai và của mọi người.
Trong thời gian này, Lam cũng không tìm được tiếng nói chung với gia đình, không được đồng ý chuyện bỏ phố lên Đà Lạt. Nhưng cô chưa từng có suy nghĩ oán trách với gia đình bởi lẽ rất khó để tìm sự chia sẻ cho quyết định của Lam và ba mẹ cô cũng chỉ vì không muốn con gái phải bươn chải, vất vả bên ngoài.
Cầm 100 triệu lên Đà Lạt và tiêu hết 2/3 số tiền trong 6 tháng
Năm 2019, Lam gom hết tiền tiết kiệm và vay thêm bạn bè, người thân được khoảng 100 triệu để lên Đà Lạt. Thời gian đầu, Lam chưa làm vườn và vẫn ở trong thành phố. Khoảng tháng 6 tháng sau, dịch bệnh ập đến, số tiền ban đầu chỉ còn lại 1/3 trong khi cô vẫn chưa làm được gì.
Câu chuyện chi tiêu ở Đà Lạt cũng chính là một trong những điều quan trọng đầu tiên mà Lam nhận ra khi bỏ phố về đây: "Đà Lạt là đất du lịch nên những ai về đây mà không theo hướng du lịch thì nên cân nhắc kỹ. Với những ngành nghề ngoài du lịch, làm công ăn lương ở Đà Lạt chỉ có mức lương trung bình. Trong khi đó chi phí sinh hoạt hàng ngày như thuê nhà, ăn uống,... lại cao nên nhiều bạn sẽ bị khớp thời gian đầu, vì làm đủ tiêu và không có dư, không có tích cóp".
"Cuộc sống ở Đà Lạt rất dễ làm bạn ham chơi, làm biếng và không muốn làm việc. Mỗi sáng phải đấu tranh để rời khỏi chiếc chăn ấm đi làm đã khó rồi. Nhiều bạn bỏ phố về Đà Lạt nhưng không có mục tiêu hay kế hoạch, cứ lên dăm ba tháng lại phải về vì hết tiền. Lam được chứng kiến một vài người bạn như thế. Ở đâu cũng vậy, không có kinh tế là thấy khó sống liền" - Lam nói thêm.
Sau 6 tháng đầu tiên, Lam quyết định làm vườn với mục đích chữa lành, tìm lại bản thân. Với số tiền còn lại và tiếp tục vay mượn, cô có được khoảng hơn 100 triệu để đi thuê đất, trồng rau. "Lúc quyết định làm vườn, Lam biết sẽ cực. Nhưng Lam có quan điểm rằng ai cũng cực, chỉ khác là cực đầu óc hay cực tay chân thôi".
Và những thử thách mới lại đến với Lam…
Tự sửa điện, cưa gỗ làm sàn: Cuộc sống khắc nghiệt hơn tưởng tượng
Tìm được một mảnh đất phù hợp, Lam tách hẳn một sào để trồng dâu tây. Cô muốn trồng dâu sạch và đã cố gắng nhưng may mắn không mỉm cười, kết quả là dâu tây không được sạch hoàn toàn như mong muốn. Lam thất bại và số tiền phải trả cho bài học này khá lớn.
Lam chuyển sang trồng rau sạch và có kết quả khá tốt. Thời điểm dịch bệnh, thấy ai cũng khó khăn nên Lam bán hàng mà bớt chỗ này giảm chỗ kia. Tổng kết đợt bán hàng đó, cô hụt thêm 10 triệu nhưng vẫn vui vì có thể hỗ trợ được nhiều người. "Ngoài trồng rau, Lam cũng bắt đầu trang trí xung quanh nhà, trồng hoa để xây dựng cho mình một không gian sống xanh, sạch và thật sự thư giãn".
Nghe qua thì vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng với Lam, quãng thời gian bỏ phố về vườn như cả một cuộc đời trôi qua với rất nhiều sự kiện, nhiều thăng trầm và vất vả với cô gái chưa từng làm cuốc đất, trồng rau.
"Vì vườn Lam thuê là nước tự động, dẫn từ thác nhỏ chảy về vườn theo đường ống chủ vườn đã lắp sẵn. Tuy nhiên, nhiều vườn lấy nước cùng một chỗ nên việc tranh lấy nước, vườn khác bịt kín đường dẫn nước của mình để nước về vườn họ là không tránh khỏi. Nguồn nước khá xa, phải leo qua một ngọn đồi cao, cây cối rậm rạp nên đi kiểm tra thôi cũng khó khăn" - Lam kể lại những điều mà chỉ khi làm vườn rồi cô mới nhận ra.
Bên cạnh đó, vì ở một mình Lam cũng phải tự sửa chữa điện, cưa gỗ làm sàn,... việc gì không làm được mới thuê người. "Chỗ Lam chưa có điện lưới nên phải mua điện của nhà khác. Lúc điện hư thì Lam tự sửa vì không biết nhờ ai, tiền gọi thợ thì đắt đỏ. Bình thường Lam sẽ kiểm tra các mối nối, cầu chì tổng xem bị hư ở đâu thì tự sửa".
Tài chính cũng là một bài toán khó, đến bây giờ Lam vẫn còn nợ tiền bạn bè nhưng may mắn là mọi người đều hiểu và sẵn sàng đồng hành. "Chuyện vay tiền, thật ra thì không có áp lực nhưng Lam thấy mình phải có trách nhiệm nên đôi lúc cũng áp lực. Vì vậy mong muốn của mình hiện tại là trả hết nợ, nợ tiền thì trả được nhưng nợ ân tình thì còn mãi về sau. Khi làm có dư, Lam cũng xin trả bớt nhưng mọi người chưa lấy mà ngược lại, vẫn rất thương Lam". Sau mục tiêu trả nợ, Lam muốn tìm lại sự kết nối với gia đình.
Thực ra những câu chuyện mà Lam đã chia sẻ chỉ là lát cắt nhỏ trong hành trình bỏ phố về vườn của cô gái 31 tuổi. Nhưng nhờ làm vườn, Lam đã thoát khỏi trầm cảm, tiêu cực và sống vui vẻ, tích cực hơn.
Đây là điều mà cô muốn nhắn gửi: "Lam không giỏi nhưng được cái lì. Máu liều nhiều hơn máu não. Lam mong hành trình của mình sẽ mang đến năng lượng tích cực cho mọi người, giúp các bạn đã, đang và sắp rơi vào trầm cảm nhận ra sớm và có cách chữa lành sớm, để không mất quá nhiều thời gian tuổi trẻ".
Thành quả lao động của Lam