Bất động sản

“Cò đất” hết cửa làm ăn bát nháo, tung chiêu dụ khách

Ngày 28/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Trong đó, về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản (Điều 61) quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định và phải đáp ứng các điều kiện như.

Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản; phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Ngoài ra, trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật này.

Đáng chú ý, Điều 60 Luật này cũng quy định, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Cũng liên quan tới môi giới bất động sản, Điều 61 của Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định, môi giới tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng.

Môi giới bất động sản đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Đồng thời, môi giới bất động sản cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Thực tế, môi giới bất động sản được đánh giá là lực lượng quan trọng của thị trường giúp kết nối người mua và người bán. Từ đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, vận động theo hướng an toàn, minh bạch. Tuy nhiên, bên cạnh những môi giới làm ăn chân chính vẫn có những môi giới có tâm lý làm ăn “chộp giật” làm lũng đoạn thị trường, thậm chí xuất hiện lừa đảo.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), điển hình mới đây nhất là vụ lừa đảo của Công ty Lộc Phúc tại Đồng Nai. Để đưa các nhà đầu tư “vào tròng”, doanh nghiệp đã tuyển một lượng lớn nhân sự đóng vai làm môi giới bất động sản, sau đó hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội lấy hình ảnh những căn nhà đẹp, đăng lên website của công ty và các nền tảng khác để giới thiệu bán.

Nhiều người có nhu cầu mua nhà ở sẽ được hẹn gặp tại một địa điểm rồi đưa khách lên xe chở về một địa điểm hoàn toàn không liên quan tới nơi giới thiệu dự án ban đầu. Lúc này, trên xe được bố trí sẵn những "diễn viên quần chúng" được thuê giả làm "cò mồi" lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cùng tham gia.

Hầu hết khách hàng bị thao túng với những lời tư vấn quá “bùi tai” và các bài chim mồi, đánh vào tâm lý khách hàng như có khách chốt cọc liên tục, khách mua gần hết lô đẹp, chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng,….

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả nhà đầu tư đều vì hám lợi mà mắc bẫy lao vào những dự án “ma”. Bên cạnh những nhà môi giới vừa có tâm vừa có tầm, một bộ phận không nhỏ "cò" nhà đất hám lợi tận dụng thời cơ để lừa khách hàng. Đặc biệt là khách hàng sẵn tiền nhưng kiến thức còn non, không thể chọn lọc được thông tin tiếp nhận.

Nhiều vụ việc kéo dài từ năm này sang năm khác, với phương thức kinh doanh bất động sản “ma” như đa cấp với số nạn nhân lên đến hàng ngàn người… là hệ lụy do thiếu hiểu biết. Đồng thời, thiệt thòi do thị trường và pháp luật hiện hành đang thiếu cơ chế ràng buộc đối với các đối tượng trung gian tư vấn, cung cấp thông tin sản phẩm, dự án bất động sản.

Theo thống kê của (VARS), hiện nay có khoảng 200.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ 40.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, thông thường, đến thời điểm sốt nóng, lao động từ các ngành nghề khác gia nhập vào làm môi giới với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ xe ôm, người bán nước tới công chức nhà nước,... đều có thể tham gia kết nối thực hiện giao dịch.

“Thực tế, đây cũng chẳng phải là môi giới bất động sản đúng nghĩa. Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch diễn ra nhanh nhất, lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để chuộc lợi, ôm hàng, lừa đảo khách hàng,... gây lũng đoạn thị trường”, ông Đính nói.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch, cần có cơ chế pháp luật ràng buộc về vai trò, trách nhiệm của môi giới bất động sản trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Tất cả những người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm