VNDirect cho biết, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank suy yếu trong bối cảnh hoạt động kinh tế chậm lại. Vào cuối quý 3/2023, Vietcombank chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng là 3,8% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cả ngành là 7,0% so với đầu năm và của chính ngân hàng vào cuối quý 3/2022 (17,3% so với đầu năm).
Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho vay của ngân hàng đến từ khách hàng FDI, trong khi đó cho vay mua nhà ghi nhận tăng trưởng âm so với đầu năm. VNDirect cho rằng kết quả kém khả quan này đến từ nhu cầu tín dụng suy yếu và khẩu vị rủi ro thấp của ngân hàng đối với hoạt động cho vay khi nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khó khăn. Ban lãnh đạo của ngân hàng cũng nhấn mạnh chiến lược cho vay thận trọng và sẽ không ưu tiên tăng trưởng hơn chất lượng.
Theo VNDirect, hạn mức tín dụng của ngân hàng là 14% và nhiều khả năng sẽ khó đạt được. VNDirect giảm dự phóng cho vay xuống 7,5%, gần gấp đôi so với tăng trưởng hiện tại cho đến cuối T9/2023. Lý do tăng trưởng cho vay tăng mạnh vào quý 4/2023 là thúc đẩy đầu tư công, mở rộng chính sách tài khóa trong nửa cuối năm 2023 và nhu cầu của khách hàng gia tăng khi mùa lễ tết đến gần.
Về biên lãi thuần (Net Interest Margin - NIM), trong quý 3/2023 Vietcombank là một trong những ngân hàng tích cực nhất trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng theo khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước nên NIM bị thu hẹp. Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay của mình trong quý 3/2023 từ 0,7% đến 3,3% đối với các khoản vay thế chấp và khoản vay vốn lưu động. Do đó, lợi suất tài sản giảm mạnh 62 điểm cơ bản so với quý trước.
Bước vào quý 4/2023, VNDirect cho rằng NIM của Vietcombank sẽ tăng 18 điểm cơ bản so với quý trước, lên 3,14% nhờ tỷ lệ LDR được cải thiện và chi phí vốn giảm do tiền gửi với lãi suất cao dần đáo hạn.
Theo VNDirect, thu nhập ngoài lãi của Vietcombank không đạt kỳ vọng. Thu nhập ngoài lãi của quý 3/2023 tăng nhẹ 4,3% so với cùng kỳ và giảm 7,8% so với quý trước, do ngân hàng chưa thực hiện ghi nhân khoản thu nhập một lần từ hợp đồng banca độc quyền với FWD. Theo ban lãnh đạo, Vietcombank sẽ ghi nhận 1.500 tỷ đồng, gần một nửa mức thu nhập ngoài lãi trong quý 3/2023, từ khoản phí trả trước này trong quý 4/2023, giúp tăng trưởng thu nhập ngoài lãi trong quý tiếp theo.
Ngoài ra, hoạt động kinh tế chậm hơn cũng làm giảm thu nhập từ hoạt động thu hồi nợ. Đến tháng 9 năm 2023, tỷ lệ thu hồi nợ hàng năm của Vietcombank chỉ đạt 0,21%, thấp hơn rất nhiều so với ước lượng ban đầu là 0,3%. Đáng chú ý tỷ lệ thu hồi nơ cho 9 tháng đầu năm 2023 là 0,2%, chệch khỏi mức dao động 0,25-0,5% thường thấy kể từ năm 2018.
Lợi nhuận ròng được thúc đẩy nhờ quản lý tốt chi phí. VNDirect cho biết, tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập trong quý 3/2023 giảm xuống 33,2%, thấp hơn rất nhiều so với quý 3/2022 (38,1%). Chi phí hoạt động giảm 17,9% so với cùng kỳ xuống 5.233 tỷ đồng, chủ yếu do cắt giảm mạnh chi phí kinh doanh và quản lý. Tuy nhiên, động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ròng trong quý này lại đến từ chi phí dự phòng, khi chi phí này giảm mạnh 46,2% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận ròng quý 3/2023 tăng 19,9% so với cùng kỳ – tăng vượt trội so với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng của ngành (giảm 1,43% so với cùng kỳ, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ 25 NHTM niêm yết lớn nhất).
Nợ xấu của Vietcombank tăng mạnh khi giá trị các khoản nợ này tăng 47,1% so với quý trước và 60,0% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp mảng thương mại. Như vậy, tính đến cuối quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,21% từ mức 0,83% vào cuối quý 2/2023 và 0,80% vào cuối quý 3/2022.
VNDirect cho biết, Vietcombank đã rơi xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp bảng xếp hạng nợ xấu (cao hơn một chút so với ngân hàng dẫn đầu ACB với tỷ lệ nợ xấu là 1,20% vào cuối quý 3/2023). Tổng số dư nợ tái cơ cấu trong TT02 đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ cho vay.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì chiến lược thận trọng và dự kiến xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng thêm 1,9 nghìn tỷ trong quý 4/2023, cao hơn tổng giá trị đã xử lý trong 9 tháng 23 để hạn chế nợ xấu gia tăng, từ đó làm thúc đẩy chi phí tín dụng tăng thêm từ mức 0,69% trong 9 tháng 23.
Vào cuối quý 3/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VCB vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với tỷ lệ 270%, vượt xa các ngân hàng khác và trung bình ngành (94%). Tuy nhiên ngân hàng vẫn kỳ vọng sẽ cải thiện chỉ số này tốt hơn nữa bằng cách trích lập dự phòng cao hơn và nâng lên tỷ lệ này lên 300% tại cuối năm 2023.
VNDirect cho biết, Vietcombank đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, giảm mục tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ ban đầu từ hơn 15% xuống dưới 10%, chủ yếu do những thách thức kéo dài tới từ lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tín dụng giảm, và chiến lược của ngân hàng ưu tiên chất lượng hơn tăng trưởng. Do ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 18,5% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2023, điều này ngụ ý rằng quý 4/2023 có thể chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế âm, đặc biệt là so với mức lợi nhuận trước thuế cao nhất lịch sử đạt được trong quý 4/2022.